Quyết định 1495/QĐ-KTNN năm 2024 hướng dẫn bảo lưu ý kiến trong hoạt động của Đoàn Kiểm toán từ ngày 20/8/2024 thế nào?
Nội dung chính
Quyết định 1495/QĐ-KTNN năm 2024 hướng dẫn bảo lưu ý kiến trong hoạt động của Đoàn Kiểm toán từ ngày 20/8/2024 thế nào?
Căn cứ theo Điều 25 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1495/QĐ-KTNN năm 2024 hướng dẫn bảo lưu ý kiến trong hoạt động của Đoàn Kiểm toán từ ngày 20/8/2024 như sau:
(1) Kiểm toán viên nhà nước bảo lưu ý kiến trước Tổ trưởng Tổ kiểm toán trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày Tổ kiểm toán tổ chức thảo luận về dự thảo biên bản kiểm toán.
(2) Tổ trưởng Tổ kiểm toán bảo lưu ý kiến trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày Đoàn kiểm toán tổ chức thảo luận về dự thảo báo cáo kiểm toán.
(3) Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán bảo lưu ý kiến trước Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trong thời hạn 01 ngày, kể từ ngày Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán hoặc bảo lưu ý kiến trước Tổng Kiểm toán nhà nước trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Tổng Kiểm toán nhà nước xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán.
(4) Việc bảo lưu ý kiến phải được lập thành văn bản ghi rõ: nội dung ý kiến bảo lưu, cơ sở pháp lý và các bằng chứng làm cơ sở chứng minh cho ý kiến bảo lưu của mình; văn bản bảo lưu ý kiến phải ghi rõ ngày, tháng, năm và phải có chữ ký của người bảo lưu ý kiến. Văn bản bảo lưu ý kiến và văn bản giải quyết của người có thẩm quyền được lưu trữ trong hồ sơ kiểm toán.
(5) Việc xem xét, giải quyết ý kiến bảo lưu thực hiện như sau:
(i) Tổ trưởng Tổ kiểm toán có trách nhiệm xem xét, giải quyết ý kiến bảo lưu của Kiểm toán viên nhà nước trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản bảo lưu ý kiến của Kiểm toán viên nhà nước.
Trường hợp không thống nhất với việc giải quyết của Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước báo cáo Trưởng Đoàn kiểm toán, Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán hoặc Tổng Kiểm toán nhà nước để giải quyết theo quy định tại các (ii) (iii) và (iv).
(ii) Trưởng Đoàn kiểm toán có trách nhiệm xem xét, giải quyết ý kiến bảo lưu của Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản bảo lưu ý kiến;
(iii) Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có trách nhiệm xem xét, giải quyết ý kiến bảo lưu của Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản bảo lưu ý kiến;
(iv) Tổng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm xem xét, giải quyết ý kiến bảo lưu của Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản bảo lưu ý kiến. Ý kiến của Tổng Kiểm toán nhà nước là quyết định cuối cùng.
(6) Trong khi chờ giải quyết ý kiến bảo lưu, người bảo lưu ý kiến vẫn phải chấp hành ý kiến chỉ đạo và kết luận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và của Kiểm toán nhà nước.
Quyết định 1495/QĐ-KTNN năm 2024 hướng dẫn bảo lưu ý kiến trong hoạt động của Đoàn Kiểm toán từ ngày 20/8/2024 thế nào? (Hình từ Internet)
Thành phần Đoàn kiểm toán từ ngày 20/8/2024 gồm những ai?
Căn cứ theo Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1495/QĐ-KTNN năm 2024 quy định về thành phần Đoàn kiểm toán từ ngày 20/8/2024 như sau:
(1) Thành phần Đoàn kiểm toán gồm:
- Trưởng Đoàn kiểm toán;
- Các Phó trưởng Đoàn kiểm toán;
- Các Tổ trưởng Tổ kiểm toán, nếu Đoàn kiểm toán có Tổ kiểm toán;
- Các thành viên.
(2) Thành viên Đoàn kiểm toán gồm: thành viên là Kiểm toán viên nhà nước và thành viên không phải Kiểm toán viên nhà nước.
Thành viên Đoàn kiểm toán không phải Kiểm toán viên nhà nước gồm:
- Công chức, viên chức của Kiểm toán nhà nước;
- Cộng tác viên Kiểm toán nhà nước.
(3) Mỗi Tổ kiểm toán phải có từ 02 thành viên là Kiểm toán viên nhà nước trở lên.
Đồng thời căn cứ Điều 9 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1495/QĐ-KTNN năm 2024 quy định việc thành lập Đoàn kiểm toán như sau:
Đoàn kiểm toán được thành lập để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định thành lập Đoàn kiểm toán theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán và Vụ trưởng Vụ Tổng hợp.
Căn cứ vào quy mô cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán có Tổ kiểm toán hoặc không có Tổ kiểm toán. Trường hợp đặc biệt, Tổng Kiểm toán nhà nước thành lập Đoàn kiểm toán theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ.
Nguyên tắc hoạt động của Đoàn kiểm toán như thế nào?
Căn cứ theo Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1495/QĐ-KTNN năm 2024 quy định nguyên tắc hoạt động của Đoàn kiểm toán như sau:
- Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
- Trung thực, khách quan, công khai, minh bạch.
- Trong hoạt động kiểm toán, các thành viên của Đoàn kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân thủ Luật Kiểm toán nhà nước, quy định của cấp có thẩm quyền về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quy định của Kiểm toán nhà nước.
- Khi tiến hành kiểm toán ở nước ngoài, Đoàn kiểm toán phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và luật pháp quốc tế; tuân thủ nguyên tắc: tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo an ninh quốc phòng và bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.