Loading

08:33 - 11/11/2024

Thẻ căn cước có được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh không?

Thẻ căn cước có được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh không? Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi có bắt buộc làm thẻ căn cước không

Nội dung chính

    Thẻ căn cước có được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh không?

    Căn cứ Điều 20 Luật Căn cước 2023 quy định giá trị sử dụng của thẻ căn cước:

    Giá trị sử dụng của thẻ căn cước

    1. Thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.

    2. Thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.

    3. Thẻ căn cước hoặc số định danh cá nhân được sử dụng để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

    Trường hợp người được cấp thẻ căn cước phải xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người được cấp thẻ xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ căn cước; trường hợp thông tin đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ phải cung cấp giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh các thông tin đã thay đổi.

    4. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được cấp thẻ căn cước theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.

    Thẻ căn cước có được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh không? (Hình từ Internet)

    Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi có bắt buộc làm thẻ căn cước không?

    Theo Điều 19 Luật Căn cước 2023 quy định người được cấp thẻ căn cước:

    Người được cấp thẻ căn cước

    1. Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.

    2. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

    3. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

    Theo đó, người được cấp thẻ căn cước bao gồm:

    - Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.

    - Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

    - Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

    Như vậy, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi không bắt buộc làm thẻ căn cước.

    Người chưa thành niên có được cấp thẻ căn cước hay không?

    Tại Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người chưa thành niên:

    Người chưa thành niên

    1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

    2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

    3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

    4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

    Đồng thời, tại khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước 2023 có quy định, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

    Như vậy, công dân Việt Nam là người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi), nhưng từ đủ 14 tuổi trở lên thì phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

    Công dân bị thu hồi thẻ căn cước trong trường hợp nào?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 29 Luật Căn cước 2023 quy định thu hồi, giữ thẻ căn cước:

    Thu hồi, giữ thẻ căn cước

    1. Thẻ căn cước bị thu hồi trong trường hợp sau đây:

    a) Công dân bị tước quốc tịch Việt Nam, được thôi quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

    b) Thẻ căn cước cấp sai quy định;

    c) Thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa.

    2. Thẻ căn cước bị giữ trong trường hợp sau đây:

    a) Người đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

    b) Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.

    3. Trong thời gian bị giữ thẻ căn cước, cơ quan giữ thẻ căn cước xem xét cho phép người bị giữ thẻ căn cước quy định tại khoản 2 Điều này sử dụng thẻ căn cước của mình để thực hiện giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp.

    4. Người bị giữ thẻ căn cước quy định tại khoản 2 Điều này được trả lại thẻ căn cước khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam hoặc có quyết định hủy bỏ việc tạm giữ, tạm giam; chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

    ...

    Như vậy, công dân sẽ bị thu hồi thẻ căn cước nếu thuộc vào các trường hợp nêu dưới đây:

    - Công dân bị tước quốc tịch Việt Nam, được thôi quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

    - Thẻ căn cước cấp sai quy định.

    - Thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa.

    saved-content
    unsaved-content
    209