Loading

19:48 - 12/09/2024

Theo quy định mới thì người bệnh được có nhiều đại diện hay không? Nếu người đại diện có yêu cầu và cam kết, bệnh nhân có được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không?

Theo quy định mới thì người bệnh được có nhiều đại diện hay không? Chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo yêu cầu của người đại diện của người bệnh được không?

Nội dung chính

    Theo quy định mới thì người bệnh được có nhiều đại diện hay không?

    Căn cứ Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định người đại diện của người bệnh như sau:

    Người đại diện của người bệnh

    1. Một người bệnh chỉ có một người đại diện tại một thời điểm.

    2. Người đại diện của người bệnh phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, bao gồm:

    a) Người do người bệnh là người thành niên tự lựa chọn;

    b) Người do thành viên gia đình của người bệnh lựa chọn trong trường hợp người bệnh là người thành niên không thể tự lựa chọn và không có ủy quyền trước khi rơi vào tình trạng không thể hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

    c) Người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật của người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự;

    d) Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc người được pháp nhân phân công mà pháp nhân đó chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự;

    đ) Người không thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này nhưng tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự.

    3. Việc thay thế người đại diện được thực hiện như sau:

    a) Trường hợp thay thế người đại diện quy định tại điểm a khoản 2 Điều này thì phải có xác nhận của người bệnh;

    b) Trường hợp thay thế người đại diện quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì phải có xác nhận của người bệnh hoặc thành viên gia đình của người bệnh;

    c) Trường hợp người đại diện là cha mẹ đối với con chưa thành niên thì khi thay thế người đại diện không phải có xác nhận của người bệnh;

    d) Trường hợp người đại diện là người giám hộ, người do Tòa án chỉ định, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc người được pháp nhân phân công thì việc thay thế người đại diện phải được thực hiện bằng quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

    đ) Trường hợp người đại diện là người đại diện theo ủy quyền thì việc thay thế người đại diện phải được thực hiện bằng văn bản ủy quyền theo quy định.

    4. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện, hậu quả pháp lý của hành vi đại diện, thời hạn đại diện, phạm vi đại diện thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Như vậy, một người bệnh chỉ có một người đại diện tại một thời điểm. Người đại diện của người bệnh phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

     

    Theo quy định mới thì người bệnh được có nhiều đại diện hay không? (Hình từ Internet)

    Chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo yêu cầu của người đại diện của người bệnh được không?

    Theo khoản 10 Điều 60 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023  quy định như sau:

    Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

    ...

    10. Giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp tình trạng bệnh và yêu cầu của người bệnh trong các trường hợp sau đây:

    a) Tình trạng bệnh vượt quá khả năng chuyên môn hoặc không thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở;

    b) Theo yêu cầu của người bệnh, người đại diện của người bệnh và được sự đồng ý của người hành nghề trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc người trực lâm sàng;

    c) Tạm dừng hoặc bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động;

    d) Gặp sự cố bất khả kháng mà không thể tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận, điều trị cho người bệnh.

    ...

    Theo đó, có thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo yêu cầu của người đại diện của người bệnh khi việc chuyển này phù hợp tình trạng bệnh và yêu cầu của người bệnh và được sự đồng ý của người hành nghề trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc người trực lâm sàng.

    Người đại diện của người bệnh có yêu cầu và có cam kết thì người bệnh được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hay không?

    Tại khoản 5 Điều 77 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định các trường hợp người bệnh được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:

    Điều trị nội trú

    1. Điều trị nội trú được áp dụng đối với trường hợp người bệnh phải lưu lại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo chỉ định của người hành nghề.

    2. Tùy theo chuyên khoa và điều kiện hoạt động, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức điều trị nội trú. Phòng khám đa khoa tư nhân tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo, phòng khám đa khoa khu vực của Nhà nước, nhà hộ sinh và trạm y tế xã được bố trí giường lưu để theo dõi và điều trị cho người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

    3. Việc chuyển khoa được thực hiện như sau:

    a) Trong trường hợp phát hiện việc khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh tại chuyên khoa khác phù hợp hơn với tình trạng bệnh của người bệnh;

    b) Khoa chuyển người bệnh đi phải hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, chuyển người bệnh và hồ sơ bệnh án đến khoa mới.

    4. Trường hợp chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh đi phải hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới.

    Trường hợp chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh đối với trường hợp người bệnh quy định tại Điều 15 của Luật này, người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

    5. Người bệnh được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Khi người bệnh đã khỏi bệnh hoặc tình trạng bệnh ổn định;

    b) Có yêu cầu được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và có cam kết của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh đối với trường hợp người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự, người bệnh là người chưa thành niên.

    ...

    Căn cứ quy định trên, người bệnh được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nếu người đại diện của người bệnh có yêu cầu được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và có cam kết người đại diện của người bệnh.

    Điều này chỉ áp dụng đối với trường hợp người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự, người bệnh là người chưa thành niên.

    saved-content
    unsaved-content
    8