Thủ tục tịch thu phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện như thế nào? Nguyên tắc quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu là gì?
Nội dung chính
Thủ tục tịch thu phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện thế nào?
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
Tại Điều 81 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được bổ sung bởi khoản 42 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có quy định về thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính như sau:
Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
1. Khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, số đăng ký (nếu có), tình trạng, chất lượng của vật, tiền, hàng hoá, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và phải có chữ ký của người tiến hành tịch thu, người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt và người chứng kiến; trường hợp người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay trước mặt người bị xử phạt, đại diện tổ chức bị xử phạt hoặc người chứng kiến. Việc niêm phong phải được ghi nhận vào biên bản.
Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đang bị tạm giữ, người có thẩm quyền xử phạt thấy tình trạng tang vật, phương tiện có thay đổi so với thời điểm ra quyết định tạm giữ thì phải lập biên bản về những thay đổi này; biên bản phải có chữ ký của người lập biên bản, người có trách nhiệm tạm giữ và người chứng kiến.
2. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu phải được quản lý và bảo quản theo quy định của Chính phủ.
3. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Như vậy, thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sẽ bao gồm các bước sau:
Bước 1: Người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Biên bản phải có các nội dung là tên, số lượng, chủng loại, số đăng ký (nếu có), tình trạng, chất lượng của vật, tiền, hàng hoá, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu
Bước 2: Người tiến hành tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và người vi phạm hành chính ký tên vào biên bản.
Bước 3: Tiến hành tịch thu thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay trước mặt người bị xử phạt.
Thủ tục tịch thu phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện như thế nào? Nguyên tắc quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu là gì? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc quản lý, bảo quản tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu là gì?
Tại Điều 3 Nghị định 138/2021/NĐ-CP có quy định về nguyên tắc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bao gồm:
- Tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn, không để gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.
- Các tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được bảo đảm tính nguyên vẹn, không tính đến phần giảm giá trị thiệt hại do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, độ ẩm, hao mòn theo thời gian và các nguyên nhân khác.
- Giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn; bảo đảm tính nguyên vẹn.
- Chỉ tiếp nhận, trả lại, chuyển tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ hoặc tiếp nhận, chuyển tang vật, phương tiện bị tịch thu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền.
Thực hiện hành vi mua dâm có bị tịch thu phương tiện vi phạm hành chính hay không?
Tại Điều 24 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về phạt hành chính hành vi mua dâm như sau:
Hành vi mua dâm
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp mua dâm từ 02 người trở lên cùng một lúc.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Như vậy, người mua dân sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính ở đây là tiền, vật khác dùng vào mục đích mua dâm.