Loading

11:34 - 09/01/2025

Tinh gọn bộ máy Chính phủ còn 21 đầu mối theo Kế hoạch 140? Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế do ai bổ nhiệm?

Kế hoạch 140 định hướng tinh gọn bộ máy Chính phủ còn 21 đầu mối? Ai có quyền hạn bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế?

Nội dung chính

    Tinh gọn bộ máy Chính phủ còn 21 đầu mối theo Kế hoạch 140?

    Vào ngày 05/12/2024, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó trưởng ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017, vừa ký ban hành Kế hoạch 140/BCĐTKNQ18 về Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ.

    Theo đó, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy, Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026 - 2031) dự kiến sẽ thực hiện tinh gọn bộ máy từ 30 đầu mối xuống còn 21 đầu mối (giảm 9 đầu mối) gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.

    Tải về để xem ngay Kế hoạch 140/BCĐTKNQ18 về định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ.

    Cụ thể, phương án tinh gọn bộ máy được thực hiện như sau:

    (1) Duy trì 8 bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    Riêng Bộ Ngoại giao; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có sự sắp xếp về bộ máy bên trong và tiếp nhận một số nhiệm từ các Ban kết thúc hoạt động chuyển qua.

    (2) Sáp nhập hợp nhất 10 Bộ thành 5 Bộ như sau:

    - Hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.

    - Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Hạ tầng và Đô thị.

    - Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.

    - Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ hoặc Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.

    - Hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động; chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.

    (3) Sắp xếp, tổ chức cơ cấu các cơ quan ngang Bộ:

    - Duy trì 3 cơ quan ngang Bộ gồm: Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

    - Ủy ban Dân tộc chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án tiếp nhận Ban Tôn giáo Chính phủ và phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

    (4) Sắp xếp, tổ chức cơ cấu các cơ quan thuộc Chính phủ như sau:

    - Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các Bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.

    Đối với một số tập đoàn lớn (như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam...) thì nghiên cứu xác định là đầu mối tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.

    - Kết thúc hoạt động của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan.

    - Sắp xếp 2 Viện Hàn lâm khoa học và 2 Đại học Quốc gia, bảo đảm hiệu quả, phát huy được nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo.

    + Đối với 2 Viện Hàn lâm: Phương án 1: Hợp nhất Viện Hàn lâm Khoa học xã hội với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ thành Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam; Phương án 2: Duy trì 02 Viện Hàn lâm nhưng thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.

    + Đối với 2 Đại học Quốc gia (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), đề xuất chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý.

    - Chuyển Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trong cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng.

    - Cơ cấu Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển. Sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (tổ chức lại thành 1 đầu mối độc lập thuộc Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển).

    Lưu ý: Đã có Kế hoạch 141 thay thế Kế hoạch 140.

    Tinh gọn bộ máy Chính phủ còn 21 đầu mối theo Kế hoạch 140? Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế do ai bổ nhiệm? (Hình từ Internet)

    Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế do ai bổ nhiệm?

    Căn cứ khoản 2 Điều 4 Quyết định 41/2018/QĐ-TTg quy định về lãnh đạo của Tổng cục Thuế như sau:

    Lãnh đạo
    ...
    2. Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức theo quy định của pháp luật.
    ...

    Như vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế sẽ do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

    Cơ cấu của cơ quan Thuế ở địa phương được quy định như thế nào?

    Căn cứ khoản 2 Điều 3 Quyết định 41/2018/QĐ-TTg quy định về cơ cấu của cơ quan Thuế ở địa phương như sau:

    - Cục Thuế ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đơn vị hành chính cấp tỉnh (gọi chung là Cục Thuế cấp tỉnh) trực thuộc Tổng cục Thuế.

    + Cục Thuế thành phố Hà Nội và Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức không quá 11 phòng thực hiện chức năng tham mưu, quản lý thuế và không quá 10 phòng Thanh tra - Kiểm tra.

    + Cục Thuế có số thu từ 2.500 tỷ đồng/năm trở lên (không kể thu từ dầu thô và đất) hoặc quản lý 2.000 doanh nghiệp trở lên (trừ Cục Thuế thành phố Hà Nội và Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh) được tổ chức không quá 09 phòng thực hiện chức năng tham mưu, quản lý thuế và không quá 05 phòng Thanh tra - Kiểm tra.

    + Cục Thuế có số thu dưới 2.500 tỷ đồng/năm (không kể thu từ dầu thô và đất) hoặc quản lý dưới 2.000 doanh nghiệp được tổ chức không quá 08 phòng thực hiện chức năng tham mưu, quản lý thuế và 01 phòng Thanh tra - Kiểm tra.

    - Chi cục Thuế ở các quận, huyện, thị xã, thành phố; Chi cục Thuế khu vực (gọi chung là Chi cục Thuế cấp huyện) trực thuộc Cục Thuế cấp tỉnh.

    + Cục Thuế cấp tỉnh, Chi cục Thuế cấp huyện có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

    saved-content
    unsaved-content
    42
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ