Trái phiếu doanh nghiệp khác gì so với trái phiếu chính phủ theo quy định của pháp luật?
Nội dung chính
Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Trái phiếu doanh nghiệp (corporate bond) là một loại chứng khoán nợ do các công ty phát hành để vay vốn từ các nhà đầu tư. Khi mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư thực chất đang cho công ty vay tiền và công ty cam kết trả lại số tiền vay (gốc) vào một thời điểm xác định trong tương lai, cùng với lãi suất (hay còn gọi là coupon) định kỳ trong suốt thời gian trái phiếu có hiệu lực.
Theo cách hiểu đơn giản trái phiếu doanh nghiệp là trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi nợ. Doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán cả lãi lẫn gốc cho chủ sở hữu trái phiếu khi đến kỳ hạn. Khi bạn mua trái phiếu của một công ty nào đó thì lúc này, bạn đang là chủ nợ của họ.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP có thể hiểu trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.
Cụ thể, khi bạn lựa chọn hình thức đầu tư này, bạn sẽ thu được các lợi ích như:
- Lợi suất lãi suất cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
- Rủi ro thấp hơn so với việc sở hữu cổ phiếu, vì trái chủ được ưu tiên trả nợ trước cổ đông trong trường hợp công ty phá sản hoặc giải thể.
- Thanh khoản dễ dàng với mức lãi suất thực nhận ổn định trong suốt thời gian đầu tư.
- Sử dụng khoản lãi nhận được để tái đầu tư, từ đó tạo ra hiệu ứng lãi suất kép, tái đầu tư hiệu quả.
Trái phiếu doanh nghiệp khác gì so với trái phiếu chính phủ theo quy định của pháp luật? (Hình từ Internet)
Trái phiếu doanh nghiệp khác gì so với trái phiếu chính phủ theo quy định của pháp luật?
Trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành còn trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính phát hành để huy động vốn cho ngân sách nhà nước hay các dự án, chương trình thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước.
Theo đó trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ là hai khái niệm mang ý nghĩa khác nhau, cụ thể:
- Đơn vị phát hành
Trái phiếu Chính phủ: theo quy định trước đây tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 01/2011/NĐ-CP thì chủ thể phát hành trái phiếu Chính phủ là Bộ Tài chính. Chủ thể phát hành được chính phủ bảo lãnh là doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của Nhà nước và tổ chức tài chính, tín dụng thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ. Tuy nhiên quy định này đã hết hiệu lực và hiện tại chưa có quy định mới về định nghĩa trái phiếu Chính phủ.
Trái phiếu doanh nghiệp: theo Điều 2 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
- Mục đích phát hành
Trái phiếu Chính phủ: Đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Cung cấp nguồn vốn bù đắp thiếu hụt tạm thời của ngân sách Nhà nước thông qua việc vay trái phiếu ngắn hạn. Tiến hành cơ cấu lại nợ công và quản lý danh mục nợ của Chính phủ. Cho phép vay lại đối với các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng và chính quyền địa phương, theo các quy định của pháp luật. Thực hiện các mục đích khác nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Trái phiếu doanh nghiệp: Để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích khác.
- Lãi suất và kỳ hạn
Trái phiếu Chính phủ: Lãi suất thường giữ ở mức cố định. Kỳ hạn tối thiểu một năm. Trên thực tế có thể kéo dài trong trung hạn (5-12 năm) hoặc dài hạn (12-30 năm). Rủi ro cực thấp, chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoái.
Trái phiếu doanh nghiệp: Lãi suất tùy vào doanh nghiệp phát hành. Kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp tối thiểu một năm, do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt phát hành căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp. Thực tế thường kéo dài trong ngắn hạn (1 - 3 năm). Rủi ro ở mức trung bình, chủ yếu đến từ khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp phát hành.
Nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2, khoản 3 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP thì nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp bao gồm:
- Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.
- Mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định 153/2020/NĐ-CP và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
- Đối với phát hành trái phiếu xanh, ngoài các quy định trên, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu phải được hạch toán, quản lý theo dõi riêng và giải ngân cho các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo phương án phát hành đã được phê duyệt.
- Đối với trái phiếu đã phát hành tại thị trường trong nước, doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu quy định tại Điều 6 Nghị định này khi đáp ứng các quy định sau:
+ Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua;
+ Được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận;
- Thông tin về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 22 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.