Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất được tính như thế nào?
Nội dung chính
Cách tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất như thế nào?
Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất được xác định dựa trên các quy định tại Luật Đất đai 2024. Cụ thể, tại điểm i khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024, khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất hoặc khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đầy đủ theo quy hoạch chi tiết xây dựng, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất sẽ được tính dựa trên bảng giá đất. Điều này có nghĩa là, đối với những khu đất đã có hạ tầng kỹ thuật được đầu tư và có quy hoạch chi tiết, bảng giá đất sẽ là cơ sở để xác định giá khởi điểm cho cuộc đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 160 Luật Đất đai 2024 xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024.
Trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 160 Luật Đất đai 2024 nghĩa là trừ trường hợp "giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng
Tóm lại, có hai cách tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất:
(1) Áp dụng bảng giá đất: Được áp dụng khi đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật và có quy hoạch chi tiết xây dựng.
(2) Áp dụng giá đất cụ thể: Sử dụng trong các trường hợp còn lại, tức là khi không có bảng giá đất được áp dụng.
Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất được tính như thế nào? (Hình từ Internet)
Phương án đấu giá quyền sử dụng đất gồm nội dung chính gì?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì phương án đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm những nội dung chính sau đây:
- Vị trí, diện tích, loại đất, tài sản gắn liền với các thửa đất, khu đất đấu giá (nếu có);
- Hình thức giao đất, cho thuê đất, thời hạn sử dụng của các thửa đất, khu đất khi đấu giá quyền sử dụng đất;
- Dự kiến thời gian tổ chức thực hiện đấu giá;
- Đối tượng và điều kiện được tham gia đấu giá;
- Chi phí tổ chức thực hiện việc đấu giá;
- Dự kiến giá khởi điểm, khoản tiền đặt trước phải nộp khi tham gia đấu giá và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật;
- Các nội dung khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.
Như vậy, phương án đấu giá quyền sử dụng đất là một tài liệu quan trọng, giúp xác định các yếu tố cơ bản và các bước thực hiện đấu giá. Theo quy định tại khoản 3 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, phương án đấu giá cần bao gồm các nội dung chính như: vị trí, diện tích, loại đất, tài sản gắn liền với đất, hình thức và thời hạn giao đất, thời gian tổ chức đấu giá, đối tượng tham gia, chi phí thực hiện đấu giá, dự kiến giá khởi điểm,...và các khoản thu khác. Những yếu tố này đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quá trình đấu giá quyền sử dụng đất, đồng thời phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn địa phương.
Điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất?
Điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 125 Luật Đất đai 2024 thì tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất cần đáp ứng các điều kiện cụ thể như sau:
(1) Đối với tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Đất đai 2024 phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 Luật Đất đai 2024;
- Bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 122 Luật Đất đai 2024 đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư; có năng lực, kinh nghiệm trong việc phát triển dự án;
- Điều kiện khác theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
(2) Đối với cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại Điều 119 và Điều 120 Luật Đất đai 2024;
- Điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.