Trường hợp nào được cấp lại chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính?
Nội dung chính
Trường hợp nào được cấp lại chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính?
Tại khoản 1 Điều 97 Luật Chứng khoán 2019 quy định chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính là một trong những loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán.
Theo đó, khoản 1 Điều 214 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định về việc cấp lại chứng chỉ hành nghề chứng khoán như sau:
Cấp lại chứng chỉ hành nghề chứng khoán
1. Trường hợp được cấp lại chứng chỉ hành nghề chứng khoán.
a) Chứng chỉ hành nghề chứng khoán bị thu hồi theo quy định tại điểm a, c khoản 3 Điều 97 Luật Chứng khoán hoặc bị hỏng, bị mất;
b) Thông tin xác nhận nhân thân của người hành nghề ghi trong chứng chỉ hành nghề chứng khoán thay đổi (số giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, quốc tịch, họ tên, ngày tháng năm sinh).
...
Như vậy, dẫn chiếu đến Điều 97 Luật Chứng khoán 2019 thì cá nhân có thể được cấp lại chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
(1) Bị thu hồi chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính vì một trong những lý do sau:
- Không còn đáp ứng điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính theo quy định;
- Không hành nghề chứng khoán trong 03 năm liên tục.
(2) Chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính bị hỏng hoặc bị mất;
(3) Thông tin xác nhận nhân thân của người hành nghề ghi trong chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính thay đổi (số giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, quốc tịch, họ tên, ngày tháng năm sinh).
Trường hợp nào được cấp lại chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính? (Hình từ Internet)
Hồ sơ cấp lại chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính gồm những giấy tờ gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 214 Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì tùy từng trường hợp mà hồ sơ cấp lại chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính có thể sẽ khác nhau, cụ thể:
(1) Trường hợp đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính vì đã bị thu hồi trước đó
* Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính bao gồm:
- Giấy đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính;
- Bản thông tin cá nhân của người đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính trong vòng 06 tháng tính đến ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được hồ sơ;
- Phiếu lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền cấp trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được hồ sơ;
- Bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sỹ, tiến sỹ;
- Chứng chỉ hành nghề chứng khoán hợp pháp ở nước ngoài hoặc tài liệu tương đương chứng minh cá nhân đó đang được phép hành nghề chứng khoán hợp pháp ở nước ngoài; các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán hoặc các chứng chỉ tương đương;
- Hai (02) ảnh 4cm x 6cm chụp trong vòng 06 tháng tính đến ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được hồ sơ.
(2) Trường hợp đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính vì chứng chỉ bị mất, hỏng hoặc thay đổi thông tin xác nhận nhân thân trong chứng chỉ
* Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính bao gồm:
- Giấy đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính;
- Giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
- 02 ảnh 4cm x 6cm chụp trong vòng 06 tháng tính đến ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được hồ sơ;
- Chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp, trừ trường hợp đề nghị cấp lại do bị mất chứng chỉ.
* Tại một số biểu mẫu liên quan đến việc cấp lại chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính:
- Giấy đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính;
- Bản thông tin cá nhân của người đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính;
Người có chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính được thực hiện những nghiệp vụ nào về chứng khoán?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 216 Nghị định 155/2020/NĐ-CP người có chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính được thực hiện các nghiệp vụ sau:
Quản lý, giám sát người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán và tổ chức sử dụng người hành nghề chứng khoán
1. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý, giám sát người hành nghề chứng khoán theo quy định pháp luật.
2. Nguyên tắc hành nghề chứng khoán:
a) Người có chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán được thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán;
b) Người có chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính được thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán;
c) Người có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ được thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;
d) Chứng chỉ hành nghề chứng khoán chỉ có giá trị sử dụng khi người được cấp chứng chỉ làm việc tại một công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán và được công ty đó thông báo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
...
Như vậy, người có chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính được thực hiện các nghiệp vụ sau đây:
(1) Nghiệp vụ môi giới chứng khoán
(2) Nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán
(3) Nghiệp vụ tự doanh chứng khoán
(4) Nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán.