Loading

17:45 - 21/09/2024

Việc giải quyết chế độ thôi việc đối với viên chức được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc ở đơn vị công tác khác có được thực hiện không?

Có giải quyết chế độ thôi việc đối với viên chức được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc ở đơn vị công tác khác theo quy định không?

Nội dung chính

    Có giải quyết chế độ thôi việc đối với viên chức được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc ở đơn vị công tác khác không?

    Tại điểm a khoản 4 Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP về giải quyết thôi việc đối với viên chức như sau:

    Giải quyết thôi việc đối với viên chức

    1. Viên chức được giải quyết thôi việc trong các trường hợp sau:

    a) Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức;

    b) Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức khi có một trong các trường hợp quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức và khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

    c) Đơn vị sự nghiệp công lập không ký tiếp hợp đồng làm việc với viên chức khi kết thúc hợp đồng làm việc xác định thời hạn.

    2. Viên chức chưa được giải quyết thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

    a) Đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử;

    b) Chưa làm việc đủ thời gian cam kết với đơn vị sự nghiệp công lập khi được cử đi đào tạo;

    c) Chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của viên chức đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

    d) Do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế.

    3. Thủ tục giải quyết thôi việc:

    a) Trường hợp viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì phải thông báo bằng văn bản gửi cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết theo quy định tại khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức.

    Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của viên chức, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức theo quy định. Trường hợp không đồng ý cho viên chức thôi việc thì phải trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định.

    b) Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc không ký tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì đồng thời phải giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức theo quy định.

    4. Không thực hiện chế độ thôi việc đối với các trường hợp sau:

    a) Viên chức được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị;

    b) Viên chức đã có thông báo nghỉ hưu hoặc thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật;

    c) Viên chức thuộc trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Viên chức.

    Như vậy, viên chức được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc ở đơn vị công tác khác sẽ không được giải quyết chế độ thôi việc.

    Ngoài ra, viên chức cũng không được giải quyết thôi việc trong 2 trường hợp:

    - Đã có thông báo nghỉ hưu hoặc thuộc đối tượng tinh giản biên chế;

    - Không được hưởng trợ cấp thôi việc khi đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc tại khoản 2 Điều 29 Luật Viên chức 2010.

    Có giải quyết chế độ thôi việc đối với viên chức được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc ở đơn vị công tác khác không? (Hình từ Internet)

    Viên chức sang đơn vị công tác khác không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng thì có được đơn phương chấm dứt hợp đồng không?

    Tại khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010 có quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc như sau:

    Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

    ...

    5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:

    a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;

    b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;

    c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;

    d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;

    đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;

    e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.

    6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này.

    Như vậy, viên chức khi sang đơn vị công tác khác mà không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc thì viên chức có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

    Viên chức có chấm dứt hợp đồng với đơn vị cũ khi chuyển công tác sang đơn vị khác và chuyển thành công chức không?

    Tại khoản 4 Điều 28 Luật Viên chức 2010 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 có quy định về viên chức chuyển công tác sang đơn vị khác công tác như sau:

    Thay đổi nội dung, ký kết tiếp, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng làm việc

    1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu một bên có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng làm việc thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc. Khi đã chấp thuận thì các bên tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan của hợp đồng làm việc. Trong thời gian tiến hành thoả thuận, các bên vẫn phải tuân theo hợp đồng làm việc đã ký kết. Trường hợp không thoả thuận được thì các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng làm việc.

    2. Đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn, trước khi hết hạn hợp đồng làm việc 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký kết tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức.

    Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức.

    Trường hợp không ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

    3. Việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

    4. Khi viên chức chuyển công tác đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì chấm dứt hợp đồng làm việc và được giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

    5. Khi viên chức được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ được pháp luật quy định là công chức tại đơn vị sự nghiệp công lập hoặc có quyết định nghỉ hưu thì hợp đồng làm việc đương nhiên chấm dứt.

    Như vậy, viên chức chuyển công tác sang đơn vị khác và chuyển thành công chức thì sẽ chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị cũ.

    saved-content
    unsaved-content
    31
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ