Loading

15:02 - 01/10/2024

Yêu cầu cần đạt về năng lực ngôn ngữ trong đào tạo Môn Tiếng Việt Chương trình xóa mù chữ?

Yêu cầu cần đạt về năng lực ngôn ngữ trong đào tạo Môn Tiếng Việt Chương trình xóa mù chữ? Yêu cầu cần đạt về năng lực văn học trong đào tạo Môn Tiếng Việt Chương trình xóa mù chữ? Quy định về nội dung giáo dục Môn Tiếng Việt học kì 1 trong Chương trình xóa mù chữ?

Nội dung chính

    Yêu cầu cần đạt về năng lực ngôn ngữ trong đào tạo Môn Tiếng Việt Chương trình xóa mù chữ?

    Theo Tiết 1.1 Tiểu mục 2 Mục II Phần thứ hai Chương trình xóa mù chữ ban hành kèm theo Thông tư 33/2021/TT-BGDĐT quy định yêu cầu cần đạt về năng lực ngôn ngữ trong đào tạo Môn Tiếng Việt Chương trình xóa mù chữ như sau:

    - Đọc đúng, trôi chảy và diễn cảm văn bản; hiểu được nội dung chính của văn bản, chủ yếu là nội dung tường minh; bước đầu hiểu được nội dung hàm ẩn như chủ đề, bài học rút ra từ văn bản đã đọc.

    Yêu cầu đọc gồm về kĩ thuật đọc và kĩ năng đọc hiểu. Đối với kỳ 1 và kỳ 2, chú trọng yêu cầu đọc đúng với tốc độ phù hợp và đọc hiểu nội dung đơn giản của văn bản. Đối với kỳ 3, kỳ 4 và kỳ 5, chú trọng nhiều hơn đến yêu cầu đọc hiểu nội dung cụ thể, hiểu chủ đề, hiểu bài học rút ra được từ văn bản.

    - Từ kỳ 1 đến kỳ 3, viết đúng chính tả, từ vựng, ngữ pháp; viết được một số câu, đoạn văn ngắn; ở kỳ 4 và kỳ 5 bước đầu viết được bài văn ngắn hoàn chỉnh, chủ yếu là bài văn kể, tả và bài giới thiệu đơn giản.

    Viết được văn bản kể lại những câu chuyện đã đọc, những sự việc đã chứng kiến, tham gia, những câu chuyện do học viên liên tưởng, tưởng tượng; miêu tả những sự vật, hiện tượng quen thuộc; giới thiệu về những sự vật và hoạt động gần gũi với cuộc sống của học viên. Viết đoạn văn nêu những cảm xúc, suy nghĩ của học viên khi đọc một câu chuyện, bài thơ, khi chứng kiến một sự việc gợi cho học viên nhiều cảm xúc; nêu ý kiến về một vấn đề đơn giản trong học tập và đời sống; viết một số kiểu văn bản như: bản tự thuật, tin nhắn, giấy mời, thời gian biểu, đơn từ,...; bước đầu biết viết theo quy trình; bài viết cần có đủ ba phần (mở bài, thân bài, kết bài).

    - Trình bày dễ hiểu các ý tưởng và cảm xúc; bước đầu biết sử dụng cử chỉ, điệu bộ thích hợp khi nói; kể lại được một cách rõ ràng câu chuyện đã đọc, đã nghe; biết chia sẻ, trao đổi những cảm xúc, thái độ, suy nghĩ của mình đối với những vấn đề được nói đến; biết thuyết minh về một đối tượng hay quy trình đơn giản.

    - Nghe hiểu với thái độ phù hợp và nắm được nội dung cơ bản; nhận biết được cảm xúc của người nói; biết cách phản hồi những gì đã nghe.

    Yêu cầu cần đạt về năng lực văn học trong đào tạo Môn Tiếng Việt Chương trình xóa mù chữ?

    Theo Tiết 1.2 Tiểu mục 2 Mục II Phần thứ hai Chương trình xóa mù chữ ban hành kèm theo Thông tư 33/2021/TT-BGDĐT quy định yêu cầu cần đạt về năng lực văn học trong đào tạo Môn Tiếng Việt Chương trình xóa mù chữ như sau:

    Phân biệt văn bản truyện và thơ (đoạn, bài văn xuôi và đoạn, bài văn vần); nhận biết được nội dung văn bản và thái độ, tình cảm của người viết; bước đầu hiểu được tác dụng của một số yếu tố hình thức của văn bản văn học (ngôn từ, nhân vật, cốt truyện, vần thơ, so sánh, nhân hóa). Biết liên tưởng, tưởng tượng và diễn đạt có tính văn học trong viết và nói.

    Đối với kỳ 1, kỳ 2: nhận biết được văn bản nói về ai, về cái gì; nhận biết được nhân vật trong các câu chuyện, vần trong thơ; nhận biết được truyện và thơ.

    Đối với kỳ 3, kỳ 4 và kỳ 5: biết cách đọc diễn cảm văn bản văn học; kể lại, tóm tắt được nội dung chính của câu chuyện, bài thơ; nhận xét được các nhân vật, sự việc và thái độ, tình cảm của người viết trong văn bản; nhận biết được thời gian và địa điểm, một số kiểu vần thơ, nhịp thơ, từ ngữ, hình ảnh đẹp, độc đáo và tác dụng của các biện pháp tu từ nhân hóa, so sánh. Hiểu được ý nghĩa hoặc bài học rút ra từ văn bản. Viết được đoạn, bài văn kể chuyện, miêu tả thể hiện cảm xúc và khả năng liên tưởng, tưởng tượng.

    Quy định về nội dung giáo dục Môn Tiếng Việt học kì 1 trong Chương trình xóa mù chữ?

    Mục III Phần thứ hai Chương trình xóa mù chữ ban hành kèm theo Thông tư 33/2021/TT-BGDĐT quy định về nội dung giáo dục Môn Tiếng Việt học kì 1 trong Chương trình xóa  mù chữ như sau:

    KỲ 1 (260 tiết)

    Yêu cầu cần đạt

    Nội dung

    ĐỌC

    KĨ THUẬT ĐỌC

    - Ngồi (hoặc đứng) thẳng lưng; sách, vở mở rộng trên mặt bàn (hoặc trên hai tay). Giữ khoảng cách giữa mắt với sách, vở khoảng 25cm.

    - Đọc đúng âm, vần, tiếng, từ, câu (có thể đọc chưa thật đúng một số tiếng có vần khó, ít dùng), chữ số (từ 0 đến 9) và các số thường gặp.

    - Thuộc bảng chữ cái tiếng Việt.

    - Đọc đúng và rõ ràng đoạn văn hoặc văn bản ngắn. Tốc độ đọc khoảng 30 - 50 tiếng trong 1 phút. Biết ngắt hơi ở chỗ có dấu phẩy, dấu kết thúc câu hay ở chỗ kết thúc dòng thơ.

    - Bước đầu biết đọc thầm.

    - Nhận biết được bìa sách và tên sách.

    ĐỌC HIỂU

    Văn bản văn học

    Đọc hiểu nội dung

    - Hỏi và trả lời được những câu hỏi đơn giản liên quan đến các chi tiết được thể hiện tường minh.

    - Trả lời được các câu hỏi đơn giản về nội dung cơ bản của văn bản dựa vào gợi ý, hỗ trợ.

    Đọc hiểu hình thức

    - Nhận biết được hình dáng, hành động của nhân vật thể hiện qua một số từ ngữ trong câu chuyện dựa vào gợi ý của giáo viên.

    - Nhận biết được lời nhân vật trong truyện dựa vào gợi ý của giáo viên.

    Liên hệ, so sánh, kết nối

    - Nêu được nhân vật yêu thích nhất và bước đầu biết giải thích vì sao.

    Văn bản thông tin

    Đọc hiểu nội dung

    - Hỏi và trả lời được những câu hỏi đơn giản về các chi tiết nổi bật trong văn bản.

    - Trả lời được câu hỏi: “Văn bản này viết về điều gì?” với sự gợi ý, hỗ trợ của giáo viên.

    Đọc hiểu hình thức

    - Nhận biết được trình tự của các sự việc trong văn bản.

    KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT

    1. Bảng chữ cái tiếng Việt, âm, vần, thanh; chữ và dấu thanh, chữ số; Quy tắc chính tả phân biệt: c và kg và ghng và ngh; Quy tắc viết hoa: viết hoa chữ cái đầu câu, viết hoa tên riêng

    2. Vốn từ theo chủ điểm: Từ chỉ sự vật, hoạt động, đặc điểm gần gũi

    3. Công dụng của dấu chấm, dấu chấm hỏi: đánh dấu kết thúc câu

    4. Từ xưng hô thông dụng khi giao tiếp ở nhà và ở trường; Một số nghi thức giao tiếp thông dụng ở nhà và ở trường: chào hỏi, giới thiệu, cảm ơn, xin lỗi, xin phép

    KIẾN THỨC VĂN HỌC

    1. Câu chuyện, bài thơ

    2. Nhân vật trong truyện

    NGỮ LIỆU

    1. Văn bản văn học

    - Truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện ngắn, đoạn văn miêu tả, tục ngữ, ca dao dân ca về gia đình, sức khỏe, lao động sản xuất, môi trường, thiên nhiên, đất nước.

    - Đoạn thơ, bài thơ (gồm cả đồng dao). Độ dài của văn bản: truyện và đoạn văn miêu tả khoảng 90 - 130 chữ, thơ khoảng 50 - 70 chữ.

    2. Văn bản thông tin: giới thiệu những sự vật, sự việc gần gũi với học viên. Độ dài của văn bản: khoảng 90 chữ.

    3. Gợi ý chọn văn bản: lựa chọn những văn bản có nội dung về đời sống gia đình, văn hóa xã hội, xây dựng nước, bảo vệ tổ quốc.

    4. Các từ ngữ có ý nghĩa tích cực, phù hợp với học viên.

    VIẾT

    KĨ THUẬT VIẾT

    - Biết ngồi viết đúng tư thế: ngồi thẳng lưng; hai chân đặt vuông góc với mặt đất; một tay úp đặt lên góc vở, một tay cầm bút; không tì ngực vào mép bàn; khoảng cách giữa mắt và vở khoảng 25cm; cầm bút bằng ba ngón tay (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa).

    - Viết đúng chữ viết thường, chữ số (từ 0 đến 9); biết viết chữ hoa.

    - Đặt dấu thanh đúng vị trí. Viết đúng quy tắc các tiếng mở đầu bằng các chữ c, k, g, gh, ng, ngh.

    - Viết đúng chính tả đoạn thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 30 - 35 chữ theo các hình thức nhìn - viết (tập chép), nghe - viết.

    VIẾT CÂU, ĐOẠN VĂN NGẮN

    Quy trình viết

    Bước đầu trả lời được những câu hỏi như: Viết về ai? Viết về cái gì, việc gì?

    Thực hành viết

    - Điền được phần thông tin còn trống, viết được câu trả lời phù hợp với nội dung câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe.

    - Điền được phần thông tin còn trống, viết câu trả lời hoặc viết lại câu đã nói để giới thiệu bản thân dựa trên gợi ý.

    NÓI VÀ NGHE

    Nói

    - Nói rõ ràng, nói liền mạch cả câu. Có ý thức khắc phục lỗi phát âm (nếu có).

    - Trả lời đúng vào nội dung câu hỏi.

    - Nói và đáp lại được lời chào hỏi, xin phép, cảm ơn, xin lỗi, phù hợp với đối tượng người nghe.

    - Biết giới thiệu ngắn về bản thân, gia đình, đồ vật yêu thích dựa trên gợi ý.

    Nghe

    - Có thói quen và thái độ chú ý nghe người khác nói (nhìn vào người nói, có tư thế nghe phù hợp). Đặt một vài câu hỏi để hỏi lại những điều chưa rõ.

    - Nghe hiểu các thông báo, hướng dẫn, yêu cầu, nội quy trong lớp học.

    - Nghe một câu chuyện và trả lời được các câu hỏi: Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu?

    Nói nghe tương tác

    - Biết đưa tay xin phát biểu, chờ đến lượt được phát biểu.

    - Biết trao đổi trong nhóm để chia sẻ những ý nghĩ và thông tin đơn giản.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    363