Bị xử phạt như thế nào khi thiết bị phục vụ thi công vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt?
Nội dung chính
Thiết bị phục vụ thi công vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ điểm c khoản 1 và điểm a khoản 5 Điều 54 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với thiết bị phục vụ thi công vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt như sau:
Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về thi công xây dựng, quản lý, khai thác công trình thiết yếu không thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt trong phạm vi đất dành cho đường sắt
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
c) Để vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ thi công vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt khi khu gian chưa được phong tỏa hoặc hết thời gian phong tỏa khu gian.
...
5. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này buộc phải đưa vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị ra khỏi khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt;
...
Theo đó, hành vi thiết bị phục vụ thi công lấn chiếm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt sẽ bị xử phạt hành chính tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức. Tuỳ vào người có trách nhiệm trong hành vi để vật liệu này sẽ xử phạt theo mức trên. Đồng thời, buộc phải thiết bị ra khỏi khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt.
Thiết bị phục vụ thi công vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt bị xử phạt như thế nào? (Ảnh từ Internet)
Khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt là gì?
Căn cứ điểm g khoản 2 Điều 3 Nghị định 100/2019/NĐ-CP định nghĩa khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
g) Khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt là khoảng không gian dọc theo đường sắt đủ để tàu chạy qua không bị va quệt;
...
Như vậy, khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt là khoảng không gian dọc theo đường sắt đủ để tàu chạy qua không bị va quệt
Các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giao thông đường sắt là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giao thông đường sắt là:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
- Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
- Buộc thực hiện biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra;
- Buộc tái xuất phương tiện khỏi Việt Nam;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính;
- Buộc phải lắp đặt đúng, đủ và duy trì hoạt động bình thường của hệ thống báo hiệu, tín hiệu, thiết bị theo quy định;
- Buộc phải tổ chức thử hãm hoặc tổ chức thực hiện phòng vệ theo quy định;
- Buộc phải để toa xe chở hàng nguy hiểm (chất nổ, chất cháy) hoặc để ghi dẫn sang đường khác theo đúng quy định về dồn tàu;
- Buộc phải ra khỏi đường sắt, cầu, hầm dành riêng cho đường sắt;
- Buộc phải đưa đất, đá, cát, vật chướng ngại, rơm, rạ, nông sản, rác thải sinh hoạt, chất độc hại, chất phế thải, chất dễ cháy, dễ nổ các loại vật tư, vật liệu, vật phẩm khác ra khỏi đường sắt, công trình đường sắt khác hoặc phạm vi đất dành cho đường sắt;
- Buộc phải đưa bè, mảng, phương tiện vận tải thủy hoặc các vật thể khác ra khỏi phạm vi bảo vệ cầu đường sắt;
- Buộc phải đưa phương tiện giao thông đường bộ, vật tư, vật liệu, máy móc thiết bị, hàng hóa, biển phòng vệ, biển báo tạm thời ra khỏi khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt;
- Buộc phải thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn công trình đường sắt, bảo đảm an toàn giao thông đường sắt theo quy định;
- Buộc phải dỡ bỏ vật che khuất biển hiệu, mốc hiệu, tín hiệu của công trình đường sắt hoặc đưa tấm đan bê tông, gỗ, sắt thép, các vật liệu khác (đặt trái phép) ra khỏi phạm vi bảo vệ công trình đường sắt hoặc hạ độ cao của cây trồng có chiều cao vượt quá quy định, di dời cây trồng không đúng quy định hoặc có ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt;
- Buộc đưa phương tiện, thiết bị, vật liệu, hàng hóa, chất phế thải, các vật phẩm khác (để trái phép) ra khỏi phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt;
- Buộc phải tháo dỡ, di chuyển các công trình, nhà ở, lều, quán gây trở ngại cho việc xây dựng, cải tạo, mở rộng và bảo đảm an toàn công trình đường sắt hoặc buộc phải tháo dỡ, di chuyển lều, quán (dựng trái phép), biển quảng cáo, biển chỉ dẫn, các vật che chắn khác (đặt, treo trái phép) ra khỏi phạm vi đất dành cho đường sắt hoặc buộc phải phá dỡ công trình hết hạn sử dụng, tháo dỡ công trình bị thu hồi, hủy giấy phép;
- Buộc phải gia cố, di chuyển hoặc cải tạo công trình gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường sắt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
- Buộc phải tổ chức sửa chữa, bổ sung, gia cố, thay thế các hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt để bảo đảm chất lượng theo công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng đã công bố;
- Buộc phải bố trí đủ thiết bị an toàn, tín hiệu, biển báo, tín hiệu phòng vệ theo quy định;
- Buộc phải để phương tiện, vật liệu, thiết bị thi công theo đúng quy định, không gây cản trở chạy tàu;
- Buộc phải lắp đầy đủ theo đúng quy định hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của các thiết bị, gồm: thiết bị hãm tự động, hãm bằng tay; van hãm khẩn cấp, đồng hồ áp suất (tại vị trí làm việc của trưởng tàu và trên toa xe khách); thiết bị ghép nối đầu máy, toa xe; thiết bị tín hiệu đuôi tàu; đồng hồ báo tốc độ, thiết bị ghi tốc độ và các thông tin liên quan đến việc điều hành chạy tàu (hộp đen); thiết bị cảnh báo để lái tàu tỉnh táo trong khi lái tàu; thiết bị đo tốc độ tàu, thiết bị thông tin liên lạc giữa trưởng tàu và lái tàu (tại vị trí làm việc của trưởng tàu);
- Buộc phải khôi phục lại kết cấu, hình dáng, tính năng sử dụng ban đầu của phương tiện trước khi đưa phương tiện tham gia giao thông trên đường sắt;
- Buộc phải bổ sung đầy đủ theo quy định trên tàu khách hoặc tàu hàng về: thiết bị, dụng cụ, vật liệu chữa cháy; thuốc sơ, cấp cứu; dụng cụ thoát hiểm; dụng cụ chèn tàu; dụng cụ, vật liệu để sửa chữa đơn giản; tín hiệu cầm tay;
- Buộc phải hướng dẫn người vi phạm về vị trí quy định hoặc đưa người, hàng hóa ra khỏi đầu máy;
- Buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của toa xe;
- Buộc thu hồi và tiêu hủy bằng, chứng chỉ chuyên môn đã cấp trái phép;
- Buộc phải đưa thi hài, hài cốt, động vật sống, động vật có dịch bệnh, chất dễ cháy, dễ nổ, vũ khí, hàng nguy hiểm, xuống tàu (tại ga đến gần nhất trong trường hợp tàu đang chạy), ra ga để xử lý theo quy định;
- Buộc phải thực hiện ngay nhiệm vụ vận tải đặc biệt, an sinh xã hội theo yêu cầu của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.