Loading


Bố mẹ tặng đất làm của hồi môn, ly hôn có phải chia cho chồng?

Bố mẹ tặng đất làm của hồi môn, việc chia đất là của hồi môn trong quá trình ly hôn phải được xem xét kỹ lưỡng dựa trên từng tình huống cụ thể.

Nội dung chính

    Bố mẹ tặng đất làm của hồi môn được xác định là tài sản chung hay tài sản riêng?

    Quy định pháp luật không có quy định về của hồi môn. Tuy nhiên, trong phong tục cưới hỏi của người Việt Nam, cho của hồi môn là một truyền thống tốt đẹp, ý nghĩa, thể hiện tình cảm của cha mẹ dành cho con gái khi rời khỏi vòng tay bố mẹ để về nhà chồng. 

    Của hồi môn có thể là đất đai, tiền bạc, quần áo, đồ đạc và các vật dụng khác mà bố mẹ cô dâu tặng cho con gái, để cô dâu mang theo khi về nhà chồng. Khái niệm này khác biệt với "sính lễ đính hôn", là những món quà mà nhà trai dành tặng cho cô dâu. Như vậy, của hồi môn là những của cải, vật chất được bố mẹ tặng cho riêng cô dâu trong lễ đính hôn hoặc lễ vu quy.

    Việc xác định của hồi môn là tài sản chung hay tài sản riêng dựa trên việc vợ chồng áp dụng chế độ tài sản theo luật định hay chế độ tài sản theo thỏa thuận.

    (1) Chế độ tài sản theo luật định

    Theo khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì hôn nhân được định nghĩa là mối quan hệ giữa vợ và chồng được thiết lập sau khi hai bên thực hiện thủ tục kết hôn. Việc kết hôn phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải tuân thủ các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng như pháp luật liên quan đến hộ tịch.

    Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định tài sản mà mỗi người sở hữu trước khi kết hôn hoặc tài sản được tặng cho riêng trong suốt thời gian hôn nhân sẽ được xác định là tài sản riêng của người đó.

    Trường hợp 1, nếu vào thời điểm bố mẹ tặng đất làm của hồi môn, cả hai vợ chồng chưa thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, thì mảnh đất đó sẽ được xác định là tài sản riêng của người vợ vì đây là tài sản có trước khi kết hôn.

    Trường hợp 2, nếu việc tặng đất làm của hồi môn diễn ra sau khi hai bên đã đăng ký kết hôn, mảnh đất vẫn được coi là tài sản riêng của người vợ, vì đây là tài sản được tặng riêng cho cô ấy trong suốt thời gian hôn nhân.

    Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc xác định tài sản là của hồi môn có thể thay đổi nếu người vợ quyết định nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng, theo quy định tại Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Trong trường hợp này, tài sản riêng, mặc dù được tặng cho riêng, vẫn có thể trở thành tài sản chung nếu có sự thỏa thuận rõ ràng giữa hai vợ chồng.

    (2) Chế độ tài sản theo thỏa thuận:

    Căn cứ Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nếu trước khi kết hôn hai bên thỏa thuận bằng văn bản có công chứng, chứng thực thì việc xác định của hồi môn là tài sản chung hay tài sản riêng phải dựa trên sự thỏa thuận trước đó.

    Dựa trên các quy định đã được nêu trên, việc xác định của hồi môn là tài sản chung hay tài sản riêng không chỉ phụ thuộc vào nguồn gốc của tài sản, mà còn phải dựa vào sự thỏa thuận rõ ràng giữa vợ chồng. Cụ thể, nếu trước đó hai bên đã có sự thỏa thuận rõ ràng về việc tài sản đó sẽ là tài sản chung hay tài sản riêng, thì thỏa thuận đó sẽ được ưu tiên áp dụng. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong hôn nhân, đồng thời đảm bảo sự công bằng trong việc phân chia tài sản trong trường hợp có tranh chấp.

    Bố mẹ tặng đất làm của hồi môn, ly hôn có phải chia cho chồng?

    Bố mẹ tặng đất làm của hồi môn, vợ muốn bán chồng có quyền phản đối không? (Hình từ Internet)

    Vợ bán đất là của hồi môn người chồng có quyền phản đối không?

    Để xác định việc người chồng có được phản đối hay không khi người vợ có ý định bán mảnh đất là của hồi môn phải được xem xét ở nhiều góc độ, trường hợp khác nhau:

    (1) Nếu vợ chồng áp dụng chế độ tài sản theo luật định:

    Trường hợp 1:

    Như đã phân tích ở trên, vì đây là của hồi môn của người vợ, nên mảnh đất này sẽ được coi là tài sản riêng với chủ sở hữu hợp pháp là người vợ. Đối với mảnh đất này người vợ hoàn toàn có các quyền như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo khoản 1 Điều 27 Luật Đất đai 2024.

    Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có nêu rõ rằng nếu nguồn sống của cả gia đình phụ thuộc vào lợi tức, hoa lợi có được từ mảnh đất thì việc người vợ bán mảnh đất này cần có sự đồng ý của người chồng.

    Tóm lại, mảnh đất là hồi môn của người vợ sẽ được xác định là tài sản riêng của cô ấy, với đầy đủ quyền sử dụng và định đoạt tài sản. Tuy nhiên, nếu tài sản này là nguồn thu nhập chính của gia đình, người chồng hoàn toàn có quyền phản đối.

    Trường hợp 2: 

    Nếu người vợ quyết định nhập tài sản riêng vào tài sản chung thì mảnh đất là của hồi môn sẽ trở thành tài sản chung của cả hai vợ chồng. Tại Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định đối với tài sản chung là bất động sản vợ chồng phải có sự thỏa thuận trong việc định đoạt, sự thỏa thuận này phải thành lập văn bản. Như vậy, việc người vợ bán mảnh đất này, người chồng hoàn toàn có quyền phản đối.

    (2) Nếu vợ chồng áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận:

    Như đã phân tích, trong trường hợp vợ chồng áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận, việc xác định tài sản chung hay tài sản riêng sẽ hoàn toàn dựa vào sự thỏa thuận giữa hai bên. Do đó, nếu mảnh đất là của hồi môn được xác định là tài sản riêng của người vợ trong thỏa thuận này, thì người vợ sẽ có quyền định đoạt và sử dụng mảnh đất theo ý muốn, bao gồm việc chuyển nhượng, cho thuê hoặc tặng cho. 

    Tuy nhiên, nếu mảnh đất được xác định là tài sản chung trong thỏa thuận của vợ chồng hoặc tài sản riêng có hoa lợi, lợi tức là nguồn sống duy nhất của gia đình, cần cả hai phải có sự đồng ý và thỏa thuận rõ ràng trong việc định đoạt tài sản. Khi đó, việc người vợ muốn bán mảnh đất sẽ cần có sự đồng ý của người chồng, tương tự như khi áp dụng chế độ tài sản theo luật định.

    Bố mẹ tặng đất làm của hồi môn, ly hôn có phải chia cho chồng?

    Cần căn cứ vào từng tình huống cụ thể để đánh giá liệu có chia đất là của hồi môn khi ly hôn hay không, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thỏa thuận giữa các bên, nguồn gốc của tài sản và các yếu tố pháp lý liên quan.

    (1) Nếu vợ chồng áp dụng chế độ tài sản theo luật định

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 việc phân chia tài sản sau khi ly hôn sẽ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Trường hợp các bên không thể đạt được sự thống nhất về việc chia tài sản, Tòa án sẽ căn cứ vào yêu cầu của từng bên để tiến hành giải quyết vụ việc một cách công bằng, dựa trên các yếu tố và hoàn cảnh cụ thể của mỗi bên như sau:

    Tài sản chung:

    - Tài sản chung có thể chia đôi, nhưng việc chia đôi phải dựa trên nhiều yếu tố khác như: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; ông sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

    - Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

    Tuy nhiên tại khoản 2 Điều 62 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đối với quyền sử dụng đất là tài sản chung sẽ được chia như sau:

    - Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

    Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng;

    - Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định tại điểm a khoản này;

    - Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

    - Đối với loại đất khác thì được chia theo quy định của pháp luật về đất đai.

    Tài sản riêng:

    - Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

    - Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

    Tại khoản 1 Điều 62 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định rõ rằng quyền sử dụng đất tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.

    (2) Nếu vợ chồng áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nếu vợ chồng áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó.

    Tuy nhiên nếu việc thỏa thuận trước đó chưa đầy đủ, chưa rõ ràng thì việc giải quyết tài sản sau ly hôn được giải quyết tương tự khi vợ chồng áp dụng chế độ tài sản theo luật định.

    Lưu ý: Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

    Tóm lại, việc chia đất là của hồi môn trong quá trình ly hôn phải được xem xét kỹ lưỡng dựa trên từng tình huống cụ thể. Các yếu tố quan trọng cần xem xét bao gồm thỏa thuận giữa các bên, nguồn gốc tài sản và các quy định pháp lý liên quan. Dù vợ chồng áp dụng chế độ tài sản theo luật định hay thỏa thuận, việc phân chia tài sản khi ly hôn sẽ tuân theo các quy định. 

    Nếu không có thỏa thuận rõ ràng hoặc có tranh chấp về tài sản, Tòa án sẽ căn cứ vào các yếu tố như công sức đóng góp của mỗi bên, hoàn cảnh gia đình và các quy định về tài sản chung, tài sản riêng để đưa ra quyết định công bằng. 

    Tóm lại, việc chia đất là của hồi môn hay tài sản khác phải được giải quyết dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

    saved-content
    unsaved-content
    45