Loading


Bồi thường thiệt hại theo thực tế về nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện như thế nào?

Bồi thường thiệt hại theo thực tế về nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện như thế nào?

Nội dung chính

    Trường hợp nào nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường thiệt hại theo thực tế?

    Tại khoản 1, 2 Điều 102 Luật Đất đai 2024 quy định bồi thường thiệt hại về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất như sau:

    Bồi thường thiệt hại về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất
    1. Đối với nhà ở, công trình phục vụ đời sống gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải tháo dỡ hoặc phá dỡ khi Nhà nước thu hồi đất thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật có liên quan.
    Chủ sở hữu nhà ở, công trình được sử dụng các nguyên vật liệu còn lại của nhà ở, công trình.
    2. Đối với nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, khi Nhà nước thu hồi đất mà bị tháo dỡ hoặc phá dỡ toàn bộ hoặc một phần thì được bồi thường thiệt hại như sau:
    a) Đối với nhà, công trình xây dựng bị tháo dỡ hoặc phá dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà, công trình xây dựng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật về xây dựng;
    b) Đối với nhà, công trình xây dựng khác bị tháo dỡ hoặc phá dỡ không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì được bồi thường thiệt hại theo thực tế.
    ...

    Như vậy, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường thiệt hại theo thực tế trong trường hợp không thuộc điểm a khoản 2 Điều 102 Luật Đất đai 2024. Cụ thể, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường thiệt hại theo thực tế nếu không thuộc trường hợp sau đây:

    - Được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật có liên quan đối với nhà ở, công trình phục vụ đời sống gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải tháo dỡ hoặc phá dỡ khi Nhà nước thu hồi đất.

    - Được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà, công trình xây dựng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với nhà, công trình xây dựng bị tháo dỡ hoặc phá dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

    Bồi thường thiệt hại theo thực tế về nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)

    Bồi thường thiệt hại theo thực tế về nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện như thế nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 14 Nghị định 88/2024/NĐ-CP quy định bồi thường thiệt hại theo thực tế về nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện như sau:

    (1) Mức bồi thường nhà, công trình xây dựng bằng tổng giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại và khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng đó.

    Giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại được xác định theo (2).

    Khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng mức bồi thường không quá 100% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình xây dựng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại;

    (2) Giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại được xác định theo công thức sau:

    Trong đó:

    Tgt: Giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại;

    G1: Giá trị xây mới nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật về xây dựng;

    T: Thời gian khấu hao áp dụng đối với nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại;

    T1: Thời gian mà nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại đã qua sử dụng.

    (3) Trường hợp nhà, công trình xây dựng khác bị tháo dỡ hoặc phá dỡ một phần nhưng vẫn tồn tại và sử dụng được phần còn lại thì bồi thường phần giá trị nhà, công trình xây dựng bị phá dỡ và chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình xây dựng trước khi bị tháo dỡ hoặc phá dỡ;

    (4) Đối với nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật chuyên ngành thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

    Cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư?

    Căn cứ Điều 86 Luật Đất đai 2024 quy định trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như sau:

    - Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Luật Đất đai 2024.

    - Đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm một hoặc các đơn vị, tổ chức sau đây:

    + Tổ chức phát triển quỹ đất;

    + Đơn vị, tổ chức khác có chức năng thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

    + Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

    Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập đối với từng dự án, bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Chủ tịch; đại diện cơ quan tài chính, cơ quan có chức năng quản lý đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi; đại diện của người sử dụng đất có đất thu hồi; một số thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phù hợp với thực tế ở địa phương. Đại diện Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội khác được mời tham dự họp Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giám sát.

    - Đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo chức trách, nhiệm vụ được giao.

    - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, theo dõi việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Ủy ban nhân dân cấp huyện; kịp thời tháo gỡ khó khăn không thuộc thẩm quyền của cấp huyện.

    - Đất đã thu hồi theo quy định tại Điều 78 và Điều 79 Luật Đất đai 2024 mà chưa giao, chưa cho thuê sử dụng tại khu vực đô thị thì giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác, sử dụng; tại khu vực nông thôn thì giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.

    saved-content
    unsaved-content
    135