Loading


Cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho thuê nhà thuộc sở hữu của mình có phải gửi văn bản thông báo không?

Cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho thuê nhà thuộc sở hữu của mình có phải gửi văn bản thông báo không? Nếu có thì thực hiện theo quy định nào?

Nội dung chính

    Cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho thuê nhà thuộc sở hữu của mình có phải gửi văn bản thông báo không?

    Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 21 Luật Nhà ở 2023 quy định về Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc cho thuê nhà ở thuộc sở hữu của mình thì:

    - Đối với chủ sở hữu là cá nhân nước ngoài thì được cho thuê nhà ở để sử dụng vào mục đích mà pháp luật không cấm nhưng trước khi cho thuê nhà ở, chủ sở hữu phải có văn bản thông báo về việc cho thuê nhà ở với cơ quan quản lý nhà ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) nơi có nhà ở theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và phải nộp thuế từ hoạt động cho thuê nhà ở này theo quy định của pháp luật.

    - Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam thì có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.

    - Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

    Theo đó, khi thực hiện việc cho thuê nhà ở thuộc sở hữu của mình tại Việt Nam thì cá nhân nước ngoài phải gửi văn bản thông báo cho cơ quan có thẩm quyền.

    Cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho thuê nhà thuộc sở hữu của mình có phải gửi văn bản thông báo không?

    Cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho thuê nhà thuộc sở hữu của mình có phải gửi văn bản thông báo không? (Hình từ Internet)

    Thông báo về việc cho thuê nhà ở của cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam như thế nào?

    Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 05/2024/TT-BXD quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở 2023 về Thông báo về việc cho thuê nhà ở của cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cụ thể:

    - Trước khi ký hợp đồng cho thuê nhà ở thuộc sở hữu của mình, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải gửi văn bản thông báo về việc cho thuê nhà ở đến cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nơi có nhà ở cho thuê. Nội dung văn bản thông báo bao gồm tên chủ sở hữu, địa chỉ nhà ở cho thuê, thời gian cho thuê, số ký hiệu và ngày, tháng, năm cấp giấy chứng nhận về quyền sở hữu đối với nhà ở cho thuê, mục đích sử dụng nhà ở cho thuê và gửi kèm theo bản sao giấy chứng nhận về quyền sở hữu đối với nhà ở đó.

    - Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà ở, cá nhân nước ngoài phải có văn bản thông báo về việc chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà gửi đến cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nơi có nhà ở cho thuê biết để theo dõi, quản lý.

    - Cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo định kỳ 06 tháng, 01 năm và theo yêu cầu đột xuất về tình hình cho thuê nhà ở của cá nhân nước ngoài trên địa bàn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và Bộ Xây dựng.

    Các trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở?

    Theo quy định tại Điều 22 Luật Nhà ở 2023 thì Các trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở bao gồm:

    - Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc trường hợp quy định sau đây không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở mà chỉ được bán hoặc tặng cho nhà ở này cho đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

    + Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Nhà ở 2023 hoặc vượt quá số lượng nhà ở được phép sở hữu theo quy định tại Điều 19 Luật Nhà ở 2023 hoặc thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 Luật Nhà ở 2023;

    + Tổ chức nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài không được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam.

    - Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Nhà ở 2023 được trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác bán hoặc tặng cho nhà ở; đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22 Luật Nhà ở 2023 được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác đang cư trú, hoạt động tại Việt Nam bán hoặc tặng cho nhà ở.

    - Đối tượng được thừa kế nhà ở có cả tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở và không thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các bên phải thống nhất xử lý tài sản thừa kế là nhà ở này theo một trong các trường hợp sau đây:

    + Để cho tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thừa kế nhà ở này; tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp sở hữu nhà ở tại Việt Nam được hưởng giá trị của nhà ở này tương ứng với phần tài sản được thừa kế;

    + Tặng cho hoặc bán nhà ở này cho tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để hưởng giá trị.

    saved-content
    unsaved-content
    53