Loading


Cá nhân thành lập nhiều doanh nghiệp tư nhân có được không?

Cá nhân thành lập nhiều doanh nghiệp tư nhân có được không? Cá nhân thành lập nhiều doanh nghiệp tư nhân bị phạt như thế nào? Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân được quy định như thế nào?
Hiện tại tôi đã thành lập một doanh nghiệp tư nhân về kinh doanh vật liệu xây dựng, sắp tới tôi có ý định thành lập một doanh nghiệp tư nhân chuyên thầu xây dựng tại địa phương. Ban biên tập cho tôi hỏi, trường hợp của tôi có được phép thành lập thêm một doanh nghiệp nữa không? Nếu tôi thành lập thì bị phạt như thế nào?

Nội dung chính

    1. Cá nhân thành lập nhiều doanh nghiệp tư nhân có được không?

    Tại Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về doanh nghiệp tư nhân như sau:

    1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

    2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

    3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

    4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

    Như vậy, theo quy định của pháp luật thì mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Do đó, bạn không được phép thành lập thêm một doanh nghiệp tư nhân theo quy định.

    2. Cá nhân thành lập nhiều doanh nghiệp tư nhân bị phạt như thế nào?

    Tại Điều 56 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm về doanh nghiệp tư nhân như sau:

    1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    a) Góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần;

    b) Không ghi chép đầy đủ việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư; toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vào sổ kế toán;

    c) Không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký;

    d) Thành lập nhiều doanh nghiệp tư nhân hoặc đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh;

    đ) Mua doanh nghiệp tư nhân nhưng không đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân.

    2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này.

    Theo đó, nếu bạn thành lập thêm một doanh nghiệp tư nhân khác thì bạn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định của pháp luật.

    3. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân được quy định như thế nào?

    Tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân như sua:

    1. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.

    2. Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

    3. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.

    Trên đây là quy định của pháp luật về vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    701