Các tiêu chí lựa chọn nhà thầu được quy định như thế nào? Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu được quy định ra sao?
Nội dung chính
Có bao nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu đối với dự án đầu tư có sử dụng đất?
Căn cứ theo Điều 126 Luật Đất đai 2024, có những trường hợp cụ thể mà Nhà nước sẽ giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thông qua quá trình đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất. Những trường hợp này bao gồm:
(1) Các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; dự án khu dân cư nông thôn.
Trong đó Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định việc giao đất hoặc cho thuê đất thông qua quá trình đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ đưa ra các tiêu chí cụ thể nhằm quyết định việc thực hiện đấu thầu, đảm bảo rằng quy trình này phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển của địa phương.
(2) Các dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo Điều 79 Luật Đất đai 2024, nhưng không thuộc phạm vi quy định tại trường hợp (1). Trong các trường hợp này, nếu dự án nằm trong danh mục các dự án phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực cụ thể, thì việc đấu thầu cũng sẽ được tiến hành theo các quy định pháp luật hiện hành.
Như vậy, các quy định tại Điều 126 Luật Đất đai 2024 đã thiết lập một khung pháp lý rõ ràng và chi tiết, đảm bảo rằng việc đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất được tiến hành minh bạch, công bằng và đúng pháp luật. Điều này cũng đóng góp vào việc quản lý và sử dụng đất một cách hiệu quả, bền vững trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các tiêu chí lựa chọn nhà thầu được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 126 Luật Đất đai 2024, điều kiện để tham gia vào việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai hiện hành được xác định như sau:
- Đối với các tổ chức trong nước, các điều kiện cần đáp ứng là:
+ Các tổ chức này phải thuộc nhóm đối tượng được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 Luật Đất đai 2024.
+ Cá tổ chức phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện liên quan đến việc giao đất hoặc cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 122 Luật Đất đai 2024.
+ Các tổ chức phải tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
- Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, các điều kiện cần đáp ứng bao gồm:
+ Các nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo các điều kiện liên quan đến việc giao đất hoặc cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 122 Luật Đất đai 2024.
+ Các nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
+ Trong trường hợp trúng thầu, các nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện việc thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam để được giao đất hoặc cho thuê đất nhằm thực hiện dự án đầu tư, theo các quy định của Chính phủ, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu, cũng như các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Các tiêu chí lựa chọn nhà thầu (Hình từ internet)
Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 43 Luật Đấu thầu 2023 quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu như sau:
Đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế bao gồm các bước sau đây:
- Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
- Đánh giá hồ sơ dự thầu;
- Thương thảo hợp đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn.
- Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và giải thích lý do nhà thầu không trúng thầu theo yêu cầu của nhà thầu (nếu có);
- Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
Lưu ý: Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, cung cấp dịch vụ phi tư vấn áp dụng đấu thầu quốc tế, gói thầu hỗn hợp và gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, trường hợp cần thiết, bên mời thầu có thể thương thảo hợp đồng với nhà thầu xếp hạng thứ nhất;
Đối với chỉ định thầu bao gồm các bước sau đây:
- Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
- Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về đề xuất của một hoặc các nhà thầu (nếu có);
- Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
Lưu ý: Đối với trường hợp quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu 2023, người có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng quy trình rút gọn bao gồm các bước sau: chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu; hoàn thiện hợp đồng; trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
Đối với chào hàng cạnh tranh bao gồm các bước sau đây:
- Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
- Đánh giá hồ sơ dự thầu;
- Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và giải thích lý do nhà thầu không trúng thầu theo yêu cầu của nhà thầu (nếu có);
- Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
Đối với mua sắm trực tiếp bao gồm các bước sau đây:
- Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
- Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về đề xuất của nhà thầu;
- Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
Đối với tự thực hiện bao gồm các bước sau đây:
- Chuẩn bị phương án tự thực hiện, bao gồm dự thảo thỏa thuận giao việc;
- Hoàn thiện phương án tự thực hiện;
- Phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Ký kết thỏa thuận giao việc; quản lý việc thực hiện gói thầu.
Lựa chọn tư vấn cá nhân được áp dụng khi công việc của gói thầu chỉ yêu cầu một hoặc một số chuyên gia có kinh nghiệm, năng lực thực hiện mà không cần sự tham gia của tổ chức, không yêu cầu các điều kiện để thực hiện công việc như đối với nhà thầu là tổ chức. Quy trình, thủ tục lựa chọn tư vấn cá nhân bao gồm các bước sau đây:
- Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
- Đánh giá hồ sơ lý lịch khoa học của nhà thầu tư vấn cá nhân;
- Thương thảo hợp đồng;
- Trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
Đối với gói thầu có sự tham gia thực hiện của cộng đồng bao gồm các bước sau đây:
- Chuẩn bị phương án lựa chọn cộng đồng dân cư, tổ, nhóm thợ tại địa phương để triển khai thực hiện gói thầu;
- Tổ chức lựa chọn;
- Phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn;
- Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.