Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm gì sau khi nhận đơn yêu cầu thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai?
Nội dung chính
Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm gì sau khi nhận đơn yêu cầu thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 108 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
...
3. Ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
a) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai;
b) Quyết định cưỡng chế phải được thi hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế hoặc kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản về việc người bị cưỡng chế vắng mặt hoặc người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế, trừ trường hợp quyết định cưỡng chế quy định thời gian dài hơn.
Như vậy, Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm gì sau khi nhận đơn yêu cầu thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai? (Hình ảnh từ Internet)
Cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai cần có những điều kiện nào?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 108 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
...
5. Cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không chấp hành quyết định và đã được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất tranh chấp vận động, thuyết phục mà không chấp hành;
b) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất tranh chấp;
c) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành;
d) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.
...
Như vậy, cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Quyết định giải quyết tranh chấp đã có hiệu lực thi hành và không được các bên chấp hành.
- Quyết định cưỡng chế đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư.
- Quyết định cưỡng chế đã có hiệu lực thi hành.
- Người bị cưỡng chế đã nhận quyết định cưỡng chế hoặc lập biên bản khi vắng mặt hoặc từ chối nhận.
Trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai được quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 108 Nghị định 102/2024/NĐ-CP trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai được quy định như sau:
(1) Thành lập Ban thực hiện cưỡng chế:
Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế.
(2) Lập phương án cưỡng chế:
Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm lập phương án cưỡng chế và trình UBND cấp huyện phê duyệt.
- Phương án cưỡng chế cần bao gồm các nội dung cơ bản sau:
+ Mục đích và yêu cầu của việc cưỡng chế.
+ Thời gian, địa điểm, tiến độ thực hiện cưỡng chế.
+ Phương tiện và công cụ phục vụ cưỡng chế.
+ Thành phần và lực lượng tham gia cưỡng chế.
+ Thành phần phối hợp, kinh phí thực hiện cưỡng chế.
+ Phương án bảo quản tài sản nếu có.
+ Trách nhiệm thực hiện.
(3) Vận động, thuyết phục và đối thoại:
- Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm vận động, thuyết phục và đối thoại với người bị cưỡng chế.
- Nếu người bị cưỡng chế chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, Ban sẽ lập biên bản ghi nhận việc chấp hành.
- Việc thực hiện các nội dung trong quyết định giải quyết tranh chấp đất đai sẽ được thực hiện ngay sau khi lập biên bản và dưới sự giám sát của Ban thực hiện cưỡng chế.
(4) Di chuyển người và tài sản:
- Nếu người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định, Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế và tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất.
- Trong trường hợp người bị cưỡng chế không tự thực hiện, Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người và tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.
(5) Bảo quản tài sản:
- Nếu người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản, Ban thực hiện cưỡng chế sẽ lập biên bản và thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật.
- Ban thực hiện cưỡng chế cũng sẽ thông báo cho người có tài sản để nhận lại tài sản.