Chuyên gia tư vấn chủ trì lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải đáp ứng điều kiện gì?

Chuyên gia tư vấn chủ trì lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải đáp ứng điều kiện gì? Căn cứ và nội dung lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh hiện nay như thế nào?

Nội dung chính

    Chuyên gia tư vấn chủ trì lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải đáp ứng điều kiện gì?

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 23 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì chuyên gia tư vấn chủ trì lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải có bằng đại học trở lên thuộc chuyên ngành liên quan đến quản lý đất đai, có thời gian công tác trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan từ 06 năm trở lên và đáp ứng một trong các điều kiện sau:

    - Đã chủ trì lập ít nhất 03 quy hoạch sử dụng đất cấp huyện;

    - Đã chủ trì lập ít nhất 03 kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện;

    - Đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 05 quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

    - Đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 05 kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

    - Đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 05 quy hoạch sử dụng đất cấp huyện;

    - Đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 05 kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện;

    - Đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 102/2024/NĐ-CP .

    Như vậy, chuyên gia tư vấn chủ trì lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải có bằng đại học trở lên và bằng phải đúng chuyên ngành liên quan tới đất đai. Thời gian công tác trong lĩnh vực đúng chuyên ngành từ 06 năm trở lên và đáp ứng một trong số các điều kiện đã nêu trên.

    Chuyên gia tư vấn chủ trì lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải đáp ứng điều kiện gì?

    Chuyên gia tư vấn chủ trì lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải đáp ứng điều kiện gì? (Hình từ Internet)

    Thời kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là bao nhiêu năm?

    Theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai 2024, thời kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được quy định rõ ràng như sau:

    - Thời kỳ và tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và quy hoạch sử dụng đất an ninh thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch 2017.

    - Thời kỳ và tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải thống nhất với thời kỳ và tầm nhìn của quy hoạch tỉnh.

    - Thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 10 năm, trong khi tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 20 năm.

    - Thời kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc gia và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là 05 năm; kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được lập hàng năm.

    Như vậy, căn cứ theo các quy định trên, thời kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được xác định là 05 năm, tạo điều kiện cho việc lập kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh.

    Căn cứ và nội dung lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh hiện nay như thế nào?

    Theo khoản 1, khoản 2 Điều 65 Luật Đất đai 2024 quy định căn cứ và nội dung lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh hiện nay như sau:

    - Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh bao gồm:

    + Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia;

    + Các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có sử dụng đất cấp quốc gia, liên tỉnh;

    + Quy hoạch tỉnh;

    + Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của đơn vị hành chính cấp tỉnh;

    + Hiện trạng sử dụng đất, biến động đất đai, chất lượng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước của tỉnh;

    + Nhu cầu, khả năng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương; nguồn lực đầu tư công và các nguồn lực khác;

    + Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.

    - Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh bao gồm:

    + Định hướng sử dụng đất được xác định trong quy hoạch tỉnh, tầm nhìn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;

    + Xác định chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia và chỉ tiêu sử dụng đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh;

    + Xác định chỉ tiêu sử dụng đất quy định tại điểm b khoản này đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;

    + Xác định ranh giới, vị trí, diện tích khu vực lấn biển để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp;

    + Khoanh vùng các khu vực sử dụng đất cần quản lý nghiêm ngặt, gồm: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên;

    + Phân kỳ quy hoạch sử dụng cho từng kỳ kế hoạch 05 năm theo các nội dung quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản này;

    + Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất.

    Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 65 Luật Đất đai 2024 thì thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch chung được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ quy hoạch chung để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

    Trường hợp quy hoạch chung được phê duyệt sau khi phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà làm thay đổi chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì không phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ quy hoạch chung để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

    saved-content
    unsaved-content
    63
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT