Loading


Phân loại rừng được quy định như thế nào? Ai được sở hữu rừng?

Phân loại rừng được quy định như thế nào? Ai được sở hữu rừng? Tập trung đất nông nghiệp được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Phân loại rừng được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định phân loại rừng cụ thể như sau:

    (1) Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, rừng tự nhiên và rừng trồng được phân thành 03 phân loại rừng như sau:

    - Rừng đặc dụng;

    - Rừng phòng hộ;

    - Rừng sản xuất.

    (2) Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường rừng bao gồm:

    - Vườn quốc gia;

    - Khu dự trữ thiên nhiên;

    - Khu bảo tồn loài - sinh cảnh;

    - Khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

    - Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia.

    (3) Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; được phân theo mức độ xung yếu bao gồm:

    - Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới;

    - Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.

    (4) Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để cung cấp lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

    (5) Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí xác định rừng, phân loại rừng và Quy chế quản lý rừng.

    (6) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết tiêu chí xác định mức độ xung yếu của rừng phòng hộ.

    Phân loại rừng được quy định như thế nào? Ai được sở hữu rừng?

    Phân loại rừng được quy định như thế nào? Ai được sở hữu rừng? (Hình từ Internet)

    Ai được sở hữu rừng?

    Căn cứ theo Điều 7 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định đối tượng được sở hữu rừng như sau:

    (1) Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân bao gồm:

    - Rừng tự nhiên;

    - Rừng trồng do Nhà nước đầu tư toàn bộ;

    - Rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật.

    (2) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng bao gồm:

    - Rừng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư;

    - Rừng được nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân thì Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng.

    Tập trung đất nông nghiệp được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 192 Luật Đất đai 2024 quy định tập trung đất nông nghiệp như sau:

    (1) Tập trung đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất thông qua các phương thức sau đây:

    - Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa;

    - Thuê quyền sử dụng đất;

    - Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.

    (2) Việc tập trung đất nông nghiệp phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

    - Bảo đảm công khai, minh bạch, tự nguyện, dân chủ, công bằng;

    - Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất và của tổ chức, cá nhân có liên quan; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh;

    - Tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

    - Phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa, quá trình chuyển dịch lao động, chuyển đổi nghề, việc làm ở nông thôn của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của thị trường.

    (3) Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tập trung.

    - Kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để thực hiện dồn điền, đổi thửa nhằm tập trung đất để sản xuất nông nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm.

    (4) Tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện việc tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để theo dõi.

    - Trường hợp trong phương án sử dụng đất mà có thay đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ nhóm đất nông nghiệp thì phải thỏa thuận với người sử dụng đất về việc hoàn trả đất nông nghiệp sau khi đã tham gia tập trung đất đai.

    - Trường hợp tập trung đất nông nghiệp mà phải điều chỉnh lại quyền sử dụng đất thì thực hiện theo quy định tại Điều 219 Luật Đất đai 2024.

    (5) Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, hướng dẫn, hỗ trợ các bên trong việc thực hiện tập trung đất nông nghiệp và bảo đảm ổn định quy hoạch đối với diện tích đất nông nghiệp đã tập trung.

    saved-content
    unsaved-content
    60