Loading


Có cần chữ ký con dâu trong việc chia thừa kế đất đai của gia đình không?

Chia thừa kế khi ông nội mất mà không để lại di chúc. Tất cả người trong gia đình đều đồng ý ký tên chấp nhận chia đất cho bà nội và 2 người con trai nhưng có 1 người con dâu không đồng ý dù chồng của người này ký tên. Ở Xã yêu cầu phải có chữ ký của người con dâu này. Có cần chữ ký con dâu trong việc chia thừa kế đất đai của gia đình không ?

Nội dung chính


    Người mất không để lại di chúc thì gia đình có quyền thỏa thuận chia thừa kế di sản với nhau không?

    Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc.

    Căn cứ khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người thừa kế cùng hàng trong thừa kế theo pháp luật được hưởng phần di sản bằng nhau theo.

    Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015 quy định sau khi có thông báo về việc mở thừa kế, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận cách thức phân chia di sản.

    Từ những căn cứ trên, việc người mất không để lại di chúc thì số di sản để lại sẽ được chia theo quy định pháp luật. Mỗi người thừa kế được chia số di sản như nhau và những người này còn có thể thỏa thuận cách thức chia thừa kế, miễn sao kết quả cuối cùng phần tài sản của mỗi người thừa kế ngang nhau.

    Như vậy, khi người mất không để lại di chúc thì người thân trong gia đình không được quyền tự ý thỏa thuận chia di sản với nhau (ai bao nhiêu, ai nhiều, ai ít, ai được, ai không được...), việc chia di sản phải tuân theo pháp luật. Điều này nhằm đảm bảo mọi người trong cùng một hàng thừa kế (ví dụ: cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên,...) được hưởng quyền lợi ngang nhau, tránh sự thiên vị và có tác động khi thỏa thuận, Ngoài ra điều này còn giảm thiểu những tranh chấp không đáng có của các thành viên trong gia đình đối với di sản.

    Những người cùng hàng thừa kế chỉ được quyền thỏa thuận với nhau về cách thức phân chia di sản như thế nào cho phù hợp, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu cũng như nguyện vọng của từng người.

    Lưu ý rằng không phải tất cả mọi người trong gia đình đều được xem là người thừa kế, thứ tự hàng thừa kế phải theo quy định pháp luật.

    Có cần chữ ký con dâu trong việc chia thừa kế đất đai của gia đình không?

    Cần chữ ký con dâu trong việc chia thừa kế đất đai của gia đình khi không có di chúc không ? (Hình từ Internet)

    Có cần chữ ký con dâu trong việc chia thừa kế đất đai của gia đình khi không có di chúc không ?

    Căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

    (1) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; 

    (2) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

    (3) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

    Bên cạnh đó, căn cứ khoản 2 Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

    Ngoài ra, căn cứ khoản 2 Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015 quy định mọi thỏa thuận của những người thừa kế trong thừa kế theo pháp luật phải được lập thành văn bản.

    Có thể thấy, những người thừa kế có quyền thỏa thuận với nhau về việc phân chia đất như thế nào cho phù hợp và đảm bảo rằng những người thừa kế được nhận được phần đất bằng nhau. 

    Trường hợp, không thể chia đều bằng đất thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá đất và thỏa thuận về người sẽ được nhận đất và thanh toán tiền hoặc tài sản khác cho những người thừa kế còn lại. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ bán đất và chia tiền cho những người thừa kế với số tiền bằng nhau.

    Ở đây, con dâu không thuộc bất kỳ hàng thừa kế nào cho nên con dâu không được xác định là người thừa kế. Vì vậy con dâu không có quyền tham gia thỏa thuận chia thừa kế đất đai và không cần thiết phải có chữ ký của con dâu trong văn bản thỏa thuận chia thừa kế đất đai này.

    Việc yêu cầu phải có chữ ký của con dâu trong văn bản thỏa thuận chia thừa kế đất đai là không đúng với quy định pháp luật.

    Thời hạn đăng ký biến động đất đai sau khi chia thừa kế đất đai là bao nhiêu ngày?

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai 2024 quy định các trường hợp đăng ký biến động đất đai thì khi nhận thừa kế đất đai cũng phải thực hiện đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền. Và thời hạn đăng ký biến động là không quá 30 ngày tính từ ngày có biến động.

    Đối với trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

    Bên cạnh đó ngoài thời hạn nộp hồ sơ, thời gian giải quyết việc đăng ký biến động đất đai cũng được quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP đối với trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất, thời gian thực hiện thủ tục không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

    Như vậy, người nhận thừa kế đất đai cần tuân thủ thời hạn 30 ngày để đăng ký biến động đất đai tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.



    saved-content
    unsaved-content
    170