Có được bán đất tái định cư không?
Nội dung chính
Đất tái định cư là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 39 Điều 3 Luật Đất đai 2024, tái định cư được định nghĩa là việc Nhà nước thực hiện bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tại khu tái định cư hoặc địa điểm khác phù hợp cho người có đất thu hồi hoặc hỗ trợ bằng giao đất ở, nhà ở tái định cư cho người không đủ điều kiện bồi thường về đất ở theo quy định của Luật này nhưng không còn chỗ ở nào khác.
Hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về đất tái định cư, tuy nhiên dựa vào khái niệm trên, có thể hiểu đất tái định cư là đất ở mà Nhà nước bồi thường cho người có đất thu hồi hoặc đất ở mà Nhà nước hỗ trợ bằng việc giao cho cho người có đất thu hồi trong trường hợp người đó không đủ điều kiện bồi thường về đất ở theo quy định của Luật này nhưng không còn chỗ ở nào khác.
Có được bán đất tái định cư không? (Hình từ Internet)
Đất tái định cư có được chuyển nhượng không?
Dựa vào phân tích ở nội dung trước, đất tái định cư là đất ở, được Nhà nước bồi thường hoặc hỗ trợ bằng việc giao cho người có đất thu hồi sử dụng. Do đó, họ là người sử dụng đất hợp pháp được pháp luật thừa nhận, có đầy đủ quyền của một người sử dụng đất thông thường. Pháp luật cũng không có bất kỳ quy định nào cấm hay hạn chế quyền của người sử dụng đất tái định cư.
Chính vì vậy, đất tái định cư vẫn được phép chuyển nhượng nếu có đủ các điều kiện được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Cụ thể, người sử dụng đất tái định cư được thực hiện quyền chuyển nhượng đất đó khi đáp ứng các đầy đủ điều kiện nêu tại Điều 45 Luật Đất đai 2024 như sau:
(1) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
(2) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
(3) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
(4) Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Hợp đồng chuyển nhượng đất tái định cư có cần phải công chứng, chứng thực không?
Theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, hợp đồng chuyển nhượng đất tái định cư phải được công chứng hoặc chứng thực trừ trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.
Chuyển nhượng đất tái định cư có phải đăng ký biến động?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai 2024, việc chuyển nhượng đất tái định cư phải thực hiện đăng ký biến động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng đất tái định cư (ngày có biến động).