Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên được quản lý như thế nào?

Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên được quản lý như thế nào?

Nội dung chính

    Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên được quản lý như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 211 Luật Đất đai 2024:

    Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên
    1. Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì phải được quản lý theo quy định sau đây:
    a) Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên do tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trực tiếp quản lý theo quy định của pháp luật thì tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đó chịu trách nhiệm chính trong việc sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên;
    b) Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên không thuộc quy định tại điểm a khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên chịu trách nhiệm trong việc quản lý diện tích đất này;
    c) Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên bị lấn, bị chiếm, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng trái pháp luật thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

    Theo quy định trên, đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên đã được xếp hạng hoặc nằm trong danh mục kiểm kê di tích của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được quản lý theo các quy định sau:

    Quản lý bởi tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư

    Nếu đất thuộc sự quản lý trực tiếp của tổ chức, cá nhân, hoặc cộng đồng dân cư theo quy định pháp luật, thì họ chịu trách nhiệm chính trong việc sử dụng đúng mục đích và bảo vệ diện tích đất này.

    Quản lý bởi Ủy ban nhân dân cấp xã

    Trường hợp không có tổ chức, cá nhân, hoặc cộng đồng dân cư trực tiếp quản lý, trách nhiệm quản lý sẽ thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích.

    Xử lý khi có vi phạm

    Nếu đất bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích hoặc trái pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền. Trong trường hợp vượt thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp xã phải kiến nghị lên cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền để xử lý đúng quy định.

    Như vậy, việc quản lý đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên được phân định rõ ràng nhằm bảo vệ giá trị văn hóa, lịch sử và thiên nhiên của loại đất này.

    Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên được quản lý như thế nào? (Hình từ Internet)Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên được quản lý như thế nào? (Hình từ Internet)

    Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên có thể được sử dụng kết hợp với mục đích nào khác hay không?

    Căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024, theo đó, đất di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên được phân loại là đất sử dụng vào mục đích công cộng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai 2024:

    Sử dụng đất kết hợp đa mục đích
    1. Các loại đất sau đây được sử dụng kết hợp đa mục đích:
    a) Đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu;
    b) Đất sử dụng vào mục đích công cộng được kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
    c) Đất xây dựng công trình sự nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
    d) Đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh;
    đ) Đất có mặt nước được sử dụng kết hợp đa mục đích theo quy định tại các điều 188, 189 và 215 của Luật này;
    e) Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
    g) Đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 của Luật này được sử dụng kết hợp mục đích nông nghiệp, xây dựng công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ, thông tin, quảng cáo ngoài trời, điện mặt trời.

    Theo quy định trên, có thể thấy đất di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên được kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ.

    Phương án sử dụng đất kết hợp bao gồm những nội dung gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP về nội dung phương án sử dụng đất kết hợp vào mục đích thương mại, dịch vụ

    - Thông tin về người sử dụng đất;

    - Thông tin về thửa đất, khu đất đang sử dụng vào mục đích chính, gồm: vị trí, diện tích, mục đích sử dụng, hình thức sử dụng đất (Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; Nhà nước giao đất, cho thuê đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm; đất do nhận chuyển quyền sử dụng đất hợp pháp từ tổ chức, cá nhân khác); thời hạn sử dụng đất (thời hạn lâu dài, thời hạn sử dụng đất còn lại đối với trường hợp sử dụng đất có thời hạn);

    - Thông tin về diện tích đất sử dụng kết hợp, gồm: vị trí, diện tích, mục đích sử dụng, thời gian sử dụng kết hợp;

    - Phương án xây dựng, cải tạo công trình đối với trường hợp sử dụng đất vào mục đích kết hợp có công trình xây dựng, gồm công trình xây dựng mới, công trình cải tạo công trình có sẵn;

    - Phương án tháo dỡ công trình, khôi phục lại để đủ điều kiện sử dụng đất vào mục đích chính khi hết thời hạn sử dụng vào mục đích kết hợp;

    - Cam kết, biện pháp theo quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; hạn chế ảnh hưởng bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường; không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề;

    - Sơ đồ, bản đồ có liên quan đến thửa đất, khu đất sử dụng vào mục đích kết hợp.

    saved-content
    unsaved-content
    58
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT