Loading


Đất phi nông nghiệp khác là gì? Có sự khác biệt nào so với trước đây không?

Đất phi nông nghiệp khác là gì? Có sự khác biệt nào so với trước đây không? Có được xây dựng nhà ở trên đất phi nông nghiệp khác không?

Nội dung chính

    Đất phi nông nghiệp khác là gì?

    Căn cứ vào khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định về phân loại đất:

    Phân loại đất
    ...
    3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
    a) Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
    b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
    c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, an ninh);
    d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;
    đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;
    e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;
    g) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng);
    h) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;
    i) Đất có mặt nước chuyên dùng;
    k) Đất phi nông nghiệp khác.
    ...

    Thêm vào đó, tại khoản 11 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP có quy định như sau:

    Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp
    ...
    11. Đất phi nông nghiệp khác gồm đất có công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh hoặc đất được giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không có công trình và không thuộc các trường hợp quy định tại điểm c khoản 7 Điều 4 và các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều này.

    Như vậy, có thể xem đất phi nông nghiệp khác thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.

    Đất phi nông nghiệp khác là đất có công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh hoặc không có công trình và không thuộc các trường hợp:

    - Đất xây dựng công trình gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp gồm đất xây dựng nhà nghỉ, lán, trại để phục vụ cho người lao động; đất xây dựng công trình để bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ và các công trình phụ trợ khác. (Đất nông nghiệp khác).

    - Các loại đất phi nông nghiệp đã xác định mục đích sử dụng cụ thể theo quy định.

    Đất phi nông nghiệp khác tại quy định này đã có sự khác biệt với Luật Đất đai 2013, khi không còn xem đất xây dựng nhà nghỉ, lán, trại để phục vụ cho người lao động; đất xây dựng công trình để bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ và các công trình phụ trợ là đất phi nông nghiệp khác nữa mà được xác định là đất nông nghiệp khác.

    Đất phi nông nghiệp khác là gì? Có sự khác biệt nào so với trước đây không?

    Đất phi nông nghiệp khác là gì? Có sự khác biệt nào so với trước đây không? (Hình từ Internet)

    Có được xây dựng nhà ở trên đất phi nông nghiệp khác không?

    Căn cứ vào Điều 31 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất
    1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan.
    2. Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; thực hiện đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
    3. Thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật.
    4. Thực hiện biện pháp bảo vệ đất; xử lý, cải tạo và phục hồi đất đối với khu vực đất bị ô nhiễm, thoái hóa do mình gây ra.
    5. Tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến tài sản và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.
    6. Tuân thủ quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.
    7. Bàn giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, một trong những nghĩa vụ của người sử dụng đất là sử dụng đất đúng mục đích. Đất phi nông nghiệp khác không phải là đất ở nên không được phép xây dựng nhà ở trên đất phi nông nghiệp khác.

    Xây dựng trái phép nhà ở trên đất phi nông nghiệp khác bị phạt thế nào?

    Căn cứ vào khoản 2, 5, 6 Điều 12 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì:

    (1) Hành vi chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã (bao gồm trường hợp chuyển đất phi nông nghiệp khác thành đất ở) thì hình thức và mức xử phạt như sau:

    + Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,02 héc ta;

    + Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

    + Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

    + Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

    + Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta trở lên.

    (2) Hành vi chuyển mục đích sử dụng đất tại khu vực thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng loại đất tương ứng.

    (3) Ngoài hình thức phạt tiền còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như:

    - Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

    - Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

    Lưu ý: Mức phạt được đề cập được áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trong trường hợp tổ chức vi phạm với cùng hành vi và mức độ thì mức phạt áp dụng là gấp 02 lần mức xử phạt đã nêu. (Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP)

    saved-content
    unsaved-content
    85