Loading


Để đề nghị phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay trong nước và quốc tế của doanh nghiệp, hồ sơ cần bao gồm những tài liệu gì?

Hồ sơ đề nghị phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay trong nước và nước ngoài của doanh nghiệp là gì?

Nội dung chính

    Hồ sơ đề nghị phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay trong nước và nước ngoài của doanh nghiệp là gì?

    Tại Điều 14 Nghị định 91/2018/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay trong nước và nước ngoài của doanh nghiệp như sau:

    Ngoài hồ sơ đã gửi theo quy định tại Điều 11 Nghị định này, người vay đề nghị phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay nộp cập nhật cho Bộ Tài chính trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính các hồ sơ sau:

    1. Văn bản yêu cầu khoản vay có bảo lãnh chính phủ của người cho vay gửi người vay (bản chính).

    2. Văn bản đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ của doanh nghiệp kèm theo đề xuất ngân hàng phục vụ cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh (bản chính).

    3. Các văn bản theo quy định tại Điều 11 Nghị định này nếu có bất kỳ điều chỉnh nào so với văn bản đã nộp trước đây.

    4. Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư và đầu tư công (trường hợp nộp cho Bộ Tài chính báo cáo nghiên cứu tiền khả thi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 11) (bản sao có chứng thực).

    5. Đề án vay (bản chính) được cập nhật ít nhất 06 tháng trước khi nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ theo các nội dung nêu tại khoản 4 Điều 11 Nghị định này, đồng thời bổ sung các nội dung sau:

    a) Tóm tắt trị giá và các điều kiện của khoản vay đề nghị cấp bảo lãnh theo dự thảo thỏa thuận vay đã được các bên ký tắt và các khoản vay khác (nếu có);

    b) Kế hoạch rút vốn tổng thể theo quý của khoản vay;

    c) Quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị của đối tượng được bảo lãnh về việc bố trí vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% trong tổng mức đầu tư của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kèm theo kế hoạch bố trí vốn chủ sở hữu hàng năm trong thời kỳ xây dựng theo tiến độ thực hiện dự án.

    6. Văn bản phê duyệt đề án vay được Chính phủ bảo lãnh của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với đối tượng được bảo lãnh là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (bản chính).

    7. Dự thảo thỏa thuận vay cuối cùng đã được các bên ký tắt hoặc thỏa thuận vay đã được ký kết, có quy định về số tiền cho vay và yêu cầu bảo lãnh chính phủ (bản sao có chứng thực).

    8. Báo cáo tài chính 03 năm liền kề gần nhất với thời điểm gửi hồ sơ thẩm định cấp bảo lãnh đã được kiểm toán theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Nghị định này (bản sao có chứng thực). Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm trường hợp thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh vào nửa cuối năm tài chính.

    9. Báo cáo chi tiết của Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam về tình hình tín dụng của doanh nghiệp đề nghị bảo lãnh chính phủ (bản in có đóng dấu của ngân hàng cung cấp thông tin).

    10. Văn bản cam kết theo quy định tại Phụ lục I của Nghị định này (bản chính) kèm theo xác nhận của đại diện có thẩm quyền của công ty mẹ hoặc tổ chức, cá nhân góp vốn từ 65% vốn điều lệ trở lên về việc đảm bảo trả nợ thay trong trường hợp doanh nghiệp đề nghị bảo lãnh chính phủ gặp khó khăn trong việc trả nợ.

    11. Văn bản cam kết của các tổ chức và cá nhân sở hữu cổ phần hoặc vốn góp từ 5% vốn điều lệ thực góp trở lên về việc cùng nhau nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ thực góp trong suốt thời gian bảo lãnh có hiệu lực, kèm theo danh sách các cổ đông, cá nhân nói trên (đối với công ty cổ phần).

    12. Các văn bản chứng minh dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

    Như vậy, theo Điều 14 Nghị định 91/2018/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay bao gồm các tài liệu và chứng từ cần thiết như văn bản yêu cầu, đề xuất ngân hàng, báo cáo nghiên cứu khả thi, và các cam kết tài chính liên quan. Doanh nghiệp cần nộp các tài liệu này cho Bộ Tài chính trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính, đảm bảo các giấy tờ được cập nhật và chứng thực đầy đủ để quá trình xét duyệt được thực hiện đúng quy định.

    Để đề nghị phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay trong nước và quốc tế của doanh nghiệp, hồ sơ cần bao gồm những tài liệu gì? (Hình từ Internet)

    Thẩm định cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay trong nước và nước ngoài của doanh nghiệp như thế nào?

    Tại Điều 15 Nghị định 91/2018/NĐ-CP quy định về thẩm định cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay trong nước và nước ngoài của doanh nghiệp như sau:

    1. Trường hợp hồ sơ không đáp ứng các điều kiện theo quy định nêu tại Điều 14 Nghị định này, Bộ Tài chính thông báo cho đối tượng được bảo lãnh để bổ sung trong vòng 05 ngày làm việc sau khi nhận được hồ sơ. Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm bổ sung hồ sơ gửi Bộ Tài chính trong vòng 10 ngày làm việc.

    2. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh theo quy định tại Nghị định này từ doanh nghiệp, Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định với các nội dung chính sau:

    a) Tính hợp lệ của hồ sơ cung cấp;

    b) Đánh giá về đối tượng và điều kiện cấp bảo lãnh theo các tiêu chí và điều kiện quy định tại Điều 41 và Điều 43 Luật Quản lý nợ công và Nghị định này;

    c) Đánh giá về cơ cấu vốn đầu tư, trong đó xác định rõ nguồn vốn đầu tư (gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay) và điều kiện, điều khoản của khoản vay đề nghị cấp bảo lãnh Chính phủ;

    d) Đánh giá về tình hình tài chính của doanh nghiệp vay vốn đề nghị được Chính phủ bảo lãnh (hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu, hệ số khả năng thanh toán nhanh, hệ số trả nợ dài hạn);

    đ) Đánh giá phương án tài chính của dự án sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Việc đánh giá được thực hiện theo Phương pháp phân tích theo “Hệ số trả nợ vay” để xác định Hệ số trả nợ bình quân 05 năm đầu (tối thiểu là 1,20 đối với các dự án có hợp đồng bao tiêu sản phẩm hoặc hệ số 1,25 đối với các dự án khác); phân tích độ nhạy theo “Hệ số trả nợ vay có bảo lãnh”; phân tích độ nhạy theo “Doanh thu”; phân tích độ nhạy theo “Chi phí sản xuất/chi phí vận hành”:

    e) Đánh giá về sự phù hợp (loại hình, tính chất, giá trị) của tài sản thế chấp cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh;

    g) Đánh giá các rủi ro của dự án có liên quan tới khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; rủi ro có liên quan tới khoản vay; rủi ro về tài chính và khả năng trả nợ của người vay, rủi ro về năng lực thực hiện và quản lý dự án của người vay;

    h) Tổng số tiền vay và số dự án Chính phủ đã bảo lãnh mà doanh nghiệp đã thực hiện cho tới thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh; dư nợ vay được Chính phủ bảo lãnh của doanh nghiệp tại thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh;

    i) Mức phí bảo lãnh đề nghị áp dụng;

    k) Các đề xuất, kiến nghị.

    3. Trường hợp cần bổ sung thông tin trong quá trình thẩm định, Bộ Tài chính lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý ngành về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý có liên quan đến dự án vay vốn đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ; hoặc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin bổ sung nếu phát sinh trong quá trình thẩm định cấp bảo lãnh cho khoản vay đầu tư dự án (Thiết kế cơ sở được duyệt, Hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thuyết minh về công nghệ, thiết bị của dự án đầu tư). Các cơ quan có trách nhiệm trả lời trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tài chính.

    Theo đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định hồ sơ cấp bảo lãnh chính phủ theo quy định tại Nghị định 91/2018/NĐ-CP. Hồ sơ cần được bổ sung nếu không đáp ứng yêu cầu, và Bộ Tài chính phải hoàn tất thẩm định trong vòng 30 ngày sau khi nhận đủ hồ sơ. Quá trình thẩm định bao gồm việc kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, đánh giá các điều kiện cấp bảo lãnh, và phân tích rủi ro. Nếu cần thêm thông tin, Bộ Tài chính có thể yêu cầu ý kiến của các cơ quan liên quan hoặc doanh nghiệp để đảm bảo việc cấp bảo lãnh được thực hiện chính xác và đầy đủ.

    Quyết định cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay trong nước và nước ngoài của doanh nghiệp ra sao?

    Tại Điều 16 Nghị định 91/2018/NĐ-CP quy định về quyết định cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay trong nước và nước ngoài của doanh nghiệp như sau:

    1. Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ nội dung Thư bảo lãnh cùng với báo cáo kết quả thẩm định cấp bảo lãnh chính phủ.

    2. Quyết định cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quy chế làm việc của Chính phủ và gửi các cơ quan liên quan, gồm các nội dung:

    a) Phê duyệt nội dung Thư bảo lãnh và giao Bộ Tài chính phát hành Thư bảo lãnh;

    b) Phê duyệt mức phí bảo lãnh chính phủ áp dụng cho khoản vay;

    c) Giao Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý theo quy định của pháp luật (nếu có);

    d) Giao Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài chính chỉ định cơ quan đại diện thích hợp của Việt Nam ở nước ngoài làm Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng theo quy định của Thư bảo lãnh (nếu có);

    đ) Phê duyệt tổ chức khác làm Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng theo quy định của Thư bảo lãnh (nếu có);

    e) Các nội dung khác.

    saved-content
    unsaved-content
    22
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ