Loading

16:24 - 04/11/2024

Diện tích tối thiểu tách thửa đất huyện Cần Giờ từ ngày 31/10/2024

Diện tích tối thiểu tách thửa đất huyện Cần Giờ từ ngày 31/10/2024 là bao nhiêu? Điều kiện tách thửa đất được quy định ra sao?

Nội dung chính

    Diện tích tối thiểu tách thửa đất huyện Cần Giờ từ ngày 31/10/2024

    Ngày 31/10/2024, UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định 100/2024/QĐ-UBND về việc quy định về điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

    Căn cứ tại Điều 4 Quyết định 100/2024/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh quy định diện tích tổi thiểu tách thửa đất huyện Cần Giờ. Cụ thể là:

    Thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau tách thửa (đã trừ phân diện tích thuộc quy hoạch công trình giao thông) phải đảm bảo diện tích tối thiểu như sau:

    - Đối với thửa đất ở: Tối thiểu 80m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 05m.

    - Đối với thửa đất nông nghiệp:

    + 500m2 đối với đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác.

    + 1.000m2 đối với đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất chăn nuôi tập trung.

    Diện tích tối thiểu tách thửa đất huyện Cần Giờ từ ngày 31/10/2024

    Diện tích tối thiểu tách thửa đất huyện Cần Giờ từ ngày 31/10/2024 (Hình từ Internet)

    Cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm thực hiện Quyết định 100/2024/QĐ-UBND của UBND TPHCM về quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh?

    Điều 5 Quyết định 100/2024/QĐ-UBND TP Hồ Chí Minh quy định:

    Tổ chức thực hiện
    1. Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, rà soát công tác tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng quy định. Định kỳ hàng năm (trước ngày 05 tháng 12 hàng năm) báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường.
    2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
    a) Hướng dẫn, kiểm tra Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện việc tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định.
    b) Tổng hợp vướng mắc, phối hợp với các Sở ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

    Căn cứ quy định trên, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện Quyết định 100/2024/QĐ-UBND của UBND TPHCM gồm:

    - Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thành phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

    - Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh.

    Quản lý Nhà nước về đất đai gồm những nội dung nào?

    Căn cứ Điều 20 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Nội dung quản lý nhà nước về đất đai
    1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.
    2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng đất đai.
    3. Xác định địa giới đơn vị hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
    4. Đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất.
    5. Điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai.
    6. Lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
    7. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
    8. Điều tra, xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất.
    9. Quản lý tài chính về đất đai.
    10. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trưng dụng đất.
    11. Phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất.
    12. Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận.
    13. Thống kê, kiểm kê đất đai.
    14. Xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
    15. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
    16. Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.
    17. Cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ công về đất đai.
    18. Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

    Căn cứ quy định trên, về cơ bản, quản lý nhà nước về đất đai bao gồm 18 nội dung được nêu trên.

    saved-content
    unsaved-content
    114