Loading


Định giá tài sản là hàng cấm, tài sản không phải là hàng cấm trong tố tụng hình sự dựa trên căn cứ nào?

Định giá tài sản không phải là hàng cấm trong tố tụng hình sự dựa trên căn cứ nào? Định giá tài sản là hàng cấm trong tố tụng hình sự dựa trên căn cứ nào?

Nội dung chính

    Định giá tài sản không phải là hàng cấm trong tố tụng hình sự dựa trên căn cứ nào? 

    Theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 15 Nghị định 30/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự thì căn cứ định giá tài sản không phải là hàng cấm trong tố tụng hình sự được quy định, việc định giá tài sản không phải là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ sau:

    - Giá thị trường của tài sản;

    - Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định;

    - Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;

    - Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có);

    - Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.

    Các mức giá từ các nguồn thông tin trên được xác định tại thời điểm và tại nơi tài sản được yêu cầu định giá. Trường hợp thu thập nguồn thông tin về mức giá tài sản tại thời điểm khác hoặc ở địa phương khác thì mức giá đó cần được điều chỉnh phù hợp về thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá.

    Trên đây là nội dung tư vấn về căn cứ định giá tài sản không phải là hàng cấm trong tố tụng hình sự. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 30/2018/NĐ-CP.

    Định giá tài sản là hàng cấm, tài sản không phải là hàng cấm trong tố tụng hình sự dựa trên căn cứ nào?(Hình từ Internet)

    Định giá tài sản là hàng cấm trong tố tụng hình sự dựa trên căn cứ nào?

    Căn cứ theo khoản Điều 3 Nghị định 30/2018/NĐ-CP, hàng cấm là hàng hóa cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

    Căn cứ theo khoản 2 và khoản 3 Điều 15 Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định, việc định giá tài sản là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau:

    - Giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác;

    - Giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm (nếu có);

    - Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;

    - Giá thị trường trong khu vực hoặc thế giới của hàng cấm do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông báo hoặc cung cấp thông tin;

    - Giá niêm yết, giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại Việt Nam;

    - Giá thị trường trong khu vực và thế giới của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại các thị trường này;

    - Các căn cứ khác giúp xác định giá trị của tài sản cần định giá do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tin cậy của các căn cứ này

    Các mức giá từ các nguồn thông tin trên được xác định tại thời điểm và tại nơi tài sản được yêu cầu định giá. Trường hợp thu thập nguồn thông tin về mức giá tài sản tại thời điểm khác hoặc ở địa phương khác thì mức giá đó cần được điều chỉnh phù hợp về thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá.

    Trên đây là nội dung tư vấn về căn cứ định giá tài sản là hàng cấm trong tố tụng hình sự. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 30/2018/NĐ-CP.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    23