Loading


Dự án đầu tư xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng có cần lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng không?

Dự án đầu tư xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng cần lập Báo cáo gì? Nội dung trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng đối với dự án này là gì?

Nội dung chính

    Dự án đầu tư xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng có cần lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng không?

    Căn cứ theo điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 15/2021/NĐ-CP về phân loại dự án đầu tư xây dựng được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 12 Nghị định 35/2023/NĐ-CP quy định như sau:

    Phân loại dự án đầu tư xây dựng
    Dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy định tại Điều 49 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, được quy định chi tiết nhằm quản lý các hoạt động xây dựng theo quy định tại Nghị định này như sau:
    ...
    3. Trừ trường hợp người quyết định đầu tư có yêu cầu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ cần yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm:
    ...
    b) Dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất);
    ...

    Như vậy, đối với dự án đầu tư xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất) thì chỉ cần yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

    Trong trường hợp người quyết định đầu tư có yêu cầu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng thì mới lập.

    Dự án đầu tư xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng có cần lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng không?

    Dự án đầu tư xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng có cần lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng không? (Hình từ Internet)

    Những nội dung nào có trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng?

    Căn cứ theo Điều 55 Luật Xây dựng 2014 về nội dung Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng quy định như sau:

    Nội dung Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng
    1. Thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế công nghệ (nếu có) và dự toán xây dựng.
    2. Các nội dung khác của Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm thuyết minh về sự cần thiết đầu tư, mục tiêu xây dựng, địa điểm xây dựng, diện tích sử dụng đất, quy mô, công suất, cấp công trình, giải pháp thi công xây dựng, an toàn xây dựng, phương án giải phóng mặt bằng xây dựng và bảo vệ môi trường, bố trí kinh phí thực hiện, thời gian xây dựng, hiệu quả đầu tư xây dựng công trình.

    Như vậy, báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng sẽ có những nội dung cụ thể:

    - Thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế công nghệ (nếu có) và dự toán xây dựng.

    - Các nội dung khác của Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm thuyết minh về sự cần thiết đầu tư, mục tiêu xây dựng, địa điểm xây dựng, diện tích sử dụng đất, quy mô, công suất, cấp công trình, giải pháp thi công xây dựng, an toàn xây dựng, phương án giải phóng mặt bằng xây dựng và bảo vệ môi trường, bố trí kinh phí thực hiện, thời gian xây dựng, hiệu quả đầu tư xây dựng công trình.

    Chủ đầu tư, Giám đốc, Cá nhân trong dự án đầu tư xây dựng mới có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng cần có điều kiện gì để tham gia quản lý dự án?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 23 Nghị định 15/2021/NĐ-CP về chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án quy định như sau:

    Chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án
    1. Chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực để tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng. Trường hợp không đủ Điều kiện thực hiện, chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân có đủ Điều kiện năng lực theo quy định của Nghị định này để tham gia quản lý dự án.
    2. Giám đốc quản lý dự án phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 73 Nghị định này, trừ trường hợp thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
    3. Cá nhân tham gia quản lý dự án làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm theo quyết định của chủ đầu tư và phải có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu công việc đảm nhận.

    Như vậy, chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực để tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nếu không đủ Điều kiện thực hiện, chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân có đủ Điều kiện năng lực theo quy định để tham gia quản lý dự án.

    Giám đốc quản lý dự án phải có đủ điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, chuyên môn phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng và điều kiện tương ứng với các hạng được quy định cụ thể tại Điều 73 Nghị định này.

    Còn cá nhân tham gia quản lý dự án phải làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm theo quyết định của chủ đầu tư và phải có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu công việc đảm nhận.

    saved-content
    unsaved-content
    90