Loading

10:54 - 03/12/2024

E HSDT là gì? Quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu đối với E-HSDT được thực hiện như thế nào?

E-HSDT là gì? Quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu đối với E-HSDT được thực hiện như thế nào? Bên mời thầu có trách nhiệm gì khi tham gia đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia?

Nội dung chính

    E-HSDT là gì? Quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu đối với E-HSDT được thực hiện như thế nào?

    Ngày 17/11/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT về việc hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

    Trong đó, căn cứ quy định tại điểm i khoản 3 Điều 3 Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT, E-HSDT là hồ sơ dự thầu đối với đấu thầu rộng rãi qua mạng, đấu thầu hạn chế qua mạng, chào hàng cạnh tranh qua mạng.

    Đồng thời, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 29 Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT, quy trình đánh giá E-HSDT được xác định như sau:

    (1) Quy trình 01 áp dụng cho tất cả các gói thầu, gồm: đánh giá tính hợp lệ của E-HSDT; đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; đánh giá về kỹ thuật; đánh giá về tài chính.

    Đối với gói thầu mua sắm tập trung cần lựa chọn nhà thầu theo khả năng cung cấp, việc đánh giá về bảo đảm dự thầu, doanh thu bình quân hằng năm, hợp đồng tương tự, năng lực sản xuất được thực hiện tại bước đánh giá về tài chính.

    (2) Quy trình 02 áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, mượn thiết bị y tế theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, sử dụng phương pháp “giá thấp nhất” và các nhà thầu, E-HSDT đều không có bất kỳ ưu đãi nào.

    Căn cứ vào biên bản mở thầu, Hệ thống tự động xếp hạng nhà thầu theo giá dự thầu sau khi trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất (không phải phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu trong trường hợp này).

    Trường hợp có từ 02 nhà thầu trở lên cùng xếp thứ nhất thì không đánh giá theo quy trình 02 mà phải đánh giá theo quy trình 01.

    - Đánh giá tính hợp lệ của E-HSDT của nhà thầu xếp hạng thứ nhất.

    - Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu xếp hạng thứ nhất.

    - Đánh giá về kỹ thuật của nhà thầu xếp hạng thứ nhất.

    - Trường hợp nhà thầu xếp hạng thứ nhất không đáp ứng thì đánh giá đối với nhà thầu xếp hạng tiếp theo.

    (3) Đối với gói thầu áp dụng theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, căn cứ vào E-HSDT của các nhà thầu đã nộp trên Hệ thống và phương pháp đánh giá E-HSDT quy định trong E-HSMT, tổ chuyên gia được chọn một trong hai quy trình quy định tại điểm a và điểm b khoản này để đánh giá E-HSDT, Quy trình 02 chỉ thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại điểm b khoản này.

    Lưu ý, theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT, trường hợp chỉ có 01 nhà thầu tham dự thầu hoặc chỉ có 01 nhà thầu vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật thì không cần xác định giá đánh giá (trong trường hợp gói thầu áp dụng phương pháp giá đánh giá), điểm tổng hợp (trong trường hợp gói thầu áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá), không cần xác định ưu đãi, không cần xếp hạng nhà thầu.

    E HSDT là gì? Quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu đối với E-HSDT được thực hiện như thế nào?

    E HSDT là gì? Quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu đối với E-HSDT được thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)

    Bên mời thầu có trách nhiệm gì khi tham gia đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia?

    Điều 23 Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT quy định:

    Trách nhiệm của bên mời thầu
    1. Thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại Điều 79 của Luật Đấu thầu.
    2. Đăng tải thông tin quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 7 của Luật Đấu thầu. Đối với gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế, bên mời thầu phải đăng tải các thông tin quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 7 của Luật Đấu thầu bằng tiếng Việt và tiếng Anh; đối với thông tin quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 của Luật Đấu thầu, bên mời thầu đăng tải bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt và tiếng Anh.
    3. Chịu trách nhiệm về tính thống nhất của tài liệu đăng tải trên Hệ thống với tài liệu đã được phê duyệt. Trường hợp có sự sai khác giữa tài liệu được đăng tải trên Hệ thống với tài liệu đã được phê duyệt thì tài liệu đăng tải trên Hệ thống là cơ sở pháp lý để thực hiện.
    4. Theo dõi, cập nhật các thông tin đã đăng tải trên Hệ thống và các thông tin mà Hệ thống phản hồi.
    5. Quản lý và chịu trách nhiệm trong việc phân quyền cho các Tài khoản nghiệp vụ tương ứng với vai trò của mình; quản lý việc sử dụng chứng thư số trên Hệ thống.

    Như vậy, bên mời thầu có những trách nhiệm nêu trên khi tham gia đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

    Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

    saved-content
    unsaved-content
    208