Loading


Giải quyết tranh chấp về nhà ở được quy định như thế nào?

Giải quyết tranh chấp về nhà ở được quy định như thế nào? Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Giải quyết tranh chấp về nhà ở được quy định như thế nào?

    Theo Điều 194 Luật Nhà ở 2023 quy định:

    Giải quyết tranh chấp về nhà ở
    1. Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp về nhà ở thông qua hòa giải.
    2. Tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở của tổ chức, cá nhân, tranh chấp liên quan đến giao dịch về nhà ở, quản lý vận hành nhà chung cư do Tòa án, trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật.
    3. Tranh chấp về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công được giải quyết như sau:
    a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết đối với nhà ở được giao cho địa phương quản lý;
    b) Bộ Xây dựng giải quyết đối với nhà ở được giao cho cơ quan trung ương quản lý, trừ nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;
    c) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết đối với nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;
    d) Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
    4. Tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà ở đó hoặc Tòa án, trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật.
    5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.

    Như vậy, tùy thuộc vào từng loại tranh chấp về nhà ở thì sẽ có cơ quan giải quyết tranh chấp phù hợp.

    Giải quyết tranh chấp về nhà ở được quy định như thế nào?

    Giải quyết tranh chấp về nhà ở được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)

    Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công được quy định như thế nào?

    Theo Điều 81 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định:

    Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công
    1. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thực hiện như sau:
    a) Người thuê nhà ở có đơn đề nghị kèm theo bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính giấy tờ chứng minh đang sử dụng nhà ở gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở đề nghị xem xét giải quyết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh tiếp nhận, giải quyết hồ sơ;
    b) Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan quản lý nhà ở có trách nhiệm kiểm tra nội dung nêu trong đơn và lập hồ sơ giải quyết tranh chấp, bao gồm: đơn đề nghị giải quyết tranh chấp về quản lý, sử dụng nhà ở; biên bản làm việc với các bên có tranh chấp; biên bản kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng nhà ở (nếu có); hồ sơ quá trình quản lý, sử dụng nhà ở;
    c) Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày lập hồ sơ giải quyết tranh chấp, cơ quan quản lý nhà ở có trách nhiệm xem xét xác minh thực tế (nếu có), tổng hợp báo cáo và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;
    d) Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan quản lý nhà ở, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ban hành quyết định giải quyết tranh chấp theo thẩm quyền; quyết định giải quyết tranh chấp này được gửi đến người có đơn đề nghị, các cá nhân, tổ chức liên quan.
    2. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng hoặc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được thực hiện như sau:
    a) Người thuê nhà ở có đơn đề nghị kèm theo bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính giấy tờ chứng minh đang sử dụng nhà ở gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Bộ Xây dựng (đối với trường hợp nhà ở do cơ quan trung ương quản lý mà không thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý) hoặc gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với trường hợp nhà ở đang thuê do cơ quan này quản lý để được xem xét, giải quyết;
    b) Cơ quan quy định tại điểm a khoản này giao cho cơ quan quản lý nhà ở trực thuộc tiếp nhận hồ sơ;
    c) Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở có trách nhiệm kiểm tra nội dung nêu trong đơn và lập hồ sơ giải quyết tranh chấp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
    d) Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày lập hồ sơ giải quyết tranh chấp, cơ quan quản lý nhà ở có trách nhiệm xem xét xác minh thực tế (nếu có), tổng hợp và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp báo cáo Bộ Xây dựng hoặc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, quyết định;
    đ) Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan quản lý nhà ở, Bộ Xây dựng hoặc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, ban hành quyết định giải quyết tranh chấp về quản lý, sử dụng nhà ở theo thẩm quyền; quyết định giải quyết tranh chấp này được gửi đến người có đơn đề nghị, các cá nhân, tổ chức liên quan.

    Như vậy, trên đây là trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Xây dựng hoặc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

    Cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về nhà ở có bị truy cứu hình sự?

    Theo Điều 195 Luật Nhà ở 2023 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của cá nhân, tổ chức mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    Xem thêm: Việc xây dựng nhà ở của cá nhân cần bảo đảm những yêu cầu nào? Xây dựng nhà ở của cá nhân tại khu vực đô thị theo phương thức nào?

    saved-content
    unsaved-content
    65