Loading


Giao dịch về nhà ở nào không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận? Cá nhân mua nhà ở có cần phải đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở được giao dịch không?

Các giao dịch về nhà ở nào không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận? Cá nhân mua nhà ở có cần phải đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở được giao dịch không?

Nội dung chính

    Giao dịch về nhà ở nào không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận?

    Tại khoản 2 Điều 160 Luật Nhà ở 2023 quy định 05 giao dịch về nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận bao gồm:

    (1) Mua bán, thuê mua, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; bán nhà ở trong trường hợp giải thể, phá sản;

    (2) Tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;

    (3) Mua bán, thuê mua nhà ở có sẵn của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong các trường hợp sau đây: nhà ở thuộc tài sản công; nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư không thuộc tài sản công;

    (4) Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở;

    (5) Nhận thừa kế nhà ở.

    Lưu ý: Giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia các giao dịch trên sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ. Hiện nay (22/02/2024) vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết về nội dung này.

    Giao dịch về nhà ở nào không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận? Cá nhân mua nhà ở có cần phải đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở được giao dịch không? (Hình từ Internet)

    Cá nhân mua nhà ở có cần phải đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở được giao dịch không?

    Tại Điều 161 Luật Nhà ở 2023 quy định về điều kiện của bên tham gia giao dịch về nhà ở như sau:

    Điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở
    1. Bên bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải đáp ứng điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật về dân sự.
    2. Bên mua, thuê mua, thuê nhà ở, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế, nhận thế chấp, nhận góp vốn, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là cá nhân phải đáp ứng điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật về dân sự và thực hiện theo quy định sau đây:
    a) Nếu là cá nhân trong nước thì không bắt buộc phải có đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở được giao dịch;
    b) Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở được giao dịch. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai.
    3. Bên mua, thuê mua, thuê nhà ở, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế, nhận thế chấp, nhận góp vốn, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là tổ chức thì phải đáp ứng điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật về dân sự và không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi thành lập; trường hợp là tổ chức nước ngoài thì còn phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này; nếu tổ chức được ủy quyền quản lý nhà ở thì còn phải có chức năng kinh doanh dịch vụ bất động sản và đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

    Như vậy, cá nhân trong nước khi mua nhà ở thì không cần phải có đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.

    Ngoài ra, nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng không bắt buộc phải có đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở được giao dịch nhưng phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai.

    Có cần lập hợp đồng đặt cọc trước khi mua nhà không?

    Tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng như sau:

    Khái niệm hợp đồng
    Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

    Tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về đặt cọc như sau:

    Đặt cọc
    1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
    2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Như vậy, hiện hành pháp luật không có quy định bắt buộc phải lập hợp đồng đặt cọc trước khi mua nhà. Tuy nhiên để giảm thiểu khả năng rủi ro trong quá trình giao dịch thì các bên có thể lập hợp đồng đặt cọc khi mua nhà.

    saved-content
    unsaved-content
    32