Loading


Hệ thống bản đồ địa hình quốc gia được xây dựng và quy định thế nào?

Hệ thống bản đồ địa hình quốc gia là gì? Xây dựng và quy định về hệ thống bản đồ địa hình quốc gia như thế nào?

Nội dung chính

    Hệ thống bản đồ địa hình quốc gia là gì?

    Căn cứ khoản 13 Điều 3 Luật Đo đạc và bản đồ 2018 về giải thích từ ngữ quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    ...
    11. Hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc là khoảng không, diện tích mặt đất, dưới mặt đất, mặt nước, dưới mặt nước cần thiết để bảo đảm công trình hạ tầng đo đạc hoạt động đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khi xây dựng.
    12. Bản đồ địa hình là bản đồ thể hiện đặc trưng địa hình, địa vật và địa danh theo hệ tọa độ, hệ độ cao, ở tỷ lệ xác định.
    13. Hệ thống bản đồ địa hình quốc gia là tập hợp bản đồ địa hình trên đất liền, đảo, quần đảo và bản đồ địa hình đáy biển được xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, dãy tỷ lệ quy định, trong hệ tọa độ quốc gia và hệ độ cao quốc gia để sử dụng thống nhất trong cả nước.
    ...

    Như vậy, hệ thống bản đồ địa hình quốc gia là tập hợp các bản đồ địa hình bao gồm bản đồ địa hình trên đất liền, đảo, quần đảo và bản đồ địa hình đáy biển.

    Các bản đồ này được xây dựng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, với các dãy tỷ lệ quy định, sử dụng hệ tọa độ quốc gia và hệ độ cao quốc gia, nhằm đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ trong toàn quốc.

    Hệ thống bản đồ địa hình quốc gia được xây dựng và quy định thế nào?

    Hệ thống bản đồ địa hình quốc gia được xây dựng và quy định thế nào? (Hình từ Internet)

    Hệ thống bản đồ địa hình quốc gia được xây dựng và quy định thế nào?

    Căn cứ Điều 15 Luật Đo đạc và bản đồ 2018 về cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia quy định như sau:

    Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia
    1. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia được xây dựng đồng bộ, thống nhất trong cả nước.
    2. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia được quy định như sau:
    a) Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ lớn bao gồm 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000;
    b) Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ trung bình bao gồm 1:25.000, 1:50.000 và 1:100.000;
    c) Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ nhỏ bao gồm 1:250.000, 1:500.000 và 1:1.000.000.
    3. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia trên đất liền tỷ lệ 1:2.000 và 1:5.000 được thành lập cho khu vực đô thị, khu vực phát triển đô thị, khu chức năng đặc thù, khu vực cần lập quy hoạch phân khu và quy hoạch nông thôn; cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000 và tỷ lệ nhỏ hơn được thành lập phủ kín đất liền Việt Nam.
    4. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia, bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ lớn được thành lập cho khu vực đảo, quần đảo, cửa sông, cảng biển. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ trung bình được thành lập phủ kín nội thủy, lãnh hải. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ nhỏ được thành lập phủ kín vùng biển Việt Nam.

    Theo đó, hệ thống bản đồ địa hình quốc gia được xây dựng và quy định như trên.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thành lập, cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia trên đất liền ra sao?

    Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 16 Luật Đo đạc và bản đồ 2018 về xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập, cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia quy định như sau:

    Xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập, cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia
    1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:
    a) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia trên đất liền tỷ lệ 1:10.000 và tỷ lệ nhỏ hơn;
    b) Thành lập, cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia trên đất liền tỷ lệ 1:10.000 và tỷ lệ nhỏ hơn;
    c) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu và bản đồ địa hình quốc gia khu vực đảo, quần đảo, bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:10.000 và tỷ lệ nhỏ hơn;
    d) Vận hành cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia thuộc phạm vi quản lý.
    2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
    a) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000 và 1:5.000 đối với phần đất liền, khu vực đảo, quần đảo, cửa sông, cảng biển thuộc phạm vi quản lý;
    b) Thành lập, cập nhật bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000 và 1:5.000 đối với phần đất liền, khu vực đảo, quần đảo, cửa sông, cảng biển thuộc phạm vi quản lý;
    c) Vận hành cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia thuộc phạm vi quản lý;
    d) Gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định về sự cần thiết, phạm vi, giải pháp kỹ thuật công nghệ của dự án, nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập bản đồ địa hình quốc gia quy định tại điểm a và điểm b khoản này trước khi triển khai;
    đ) Gửi một bộ dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia quy định tại điểm a và điểm b khoản này cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
    3. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia phải được cập nhật đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của Chính phủ.

    Như vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thành lập, cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia trên đất liền ở tỷ lệ 1:10.000 và tỷ lệ nhỏ hơn.

    saved-content
    unsaved-content
    53