Homestay có được xem là một loại cơ sở du lịch lưu trú hay không?
Nội dung chính
Homestay có phải là một loại cơ sở lưu trú du lịch không?
Homestay được hiểu là loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, tức lưu trú tại nhà dân, địa phương nơi khách đến, giúp nơi đó quảng bá văn hóa, con người và cảnh đẹp một cách chân thật và hiệu quả nhất.
Theo Điều 48 Luật Du lịch 2017 có quy định các loại cơ sở lưu trú du lịch như sau:
Các loại cơ sở lưu trú du lịch
1. Khách sạn.
2. Biệt thự du lịch.
3. Căn hộ du lịch.
4. Tàu thủy lưu trú du lịch.
5. Nhà nghỉ du lịch.
6. Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.
7. Bãi cắm trại du lịch.
8. Các cơ sở lưu trú du lịch khác.
Homestay là cách gọi khác của căn hộ du lịch. Như vậy, homestay được xem là một loại cơ sở lưu trú du lịch.
Homestay có được xem là một loại cơ sở du lịch lưu trú hay không? (hình từ internet)
Thuê Homestay khi đi du lịch có phải đăng ký lưu trú không?
Căn cứ Điều 30 Luật cư trú 2020 quy định:
Thông báo lưu trú
1. Khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú; trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc, lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.
2. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp, bằng điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
3. Nội dung thông báo về lưu trú bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người lưu trú; lý do lưu trú; thời gian lưu trú; địa chỉ lưu trú.
4. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú; trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 08 giờ ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
5. Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.
Vì Homestay được xem là một loại cơ sở lưu trú du lịch. Theo đó, khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.
Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp, bằng điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú; trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 08 giờ ngày hôm sau.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có quyền và nghĩa vụ gì?
Theo Điều 53 Luật Du lịch 2017 thì quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được quy định như sau:
(1) Quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có quyền sau đây:
- Từ chối tiếp nhận khách du lịch có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy của cơ sở lưu trú du lịch hoặc khi cơ sở lưu trú du lịch không còn khả năng đáp ứng yêu cầu của khách du lịch;
- Hủy bỏ hợp đồng cung cấp dịch vụ đối với khách du lịch có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy của cơ sở lưu trú du lịch.
(2) Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có nghĩa vụ sau đây:
- Bảo đảm duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Du lịch 2017;
- Niêm yết công khai giá bán hàng hóa và dịch vụ, nội quy của cơ sở lưu trú du lịch;
- Bồi thường thiệt hại cho khách du lịch theo quy định của pháp luật về dân sự;
- Thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú du lịch khi có sự thay đổi về tên cơ sở, quy mô, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật;
- Chỉ được sử dụng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch;
Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán theo quy định của pháp luật.
(3) Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch đã được công nhận hạng thì sẽ có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Du lịch 2017, cụ thể như sau:
- Quyền và nghĩa vụ quy định tại (1), (2);
- Treo biển công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch và quảng cáo đúng với loại, hạng đã được công nhận;
- Duy trì chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch theo đúng loại, hạng đã được công nhận.