Hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị là hợp đồng thực hiện việc gì?
Nội dung chính
Hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị là hợp đồng thực hiện việc gì?
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 3 Nghị định 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định 50/2021/NĐ-CP về các loại hợp đồng xây dựng quy định như sau:
Các loại hợp đồng xây dựng
1. Theo tính chất, nội dung công việc hợp đồng xây dựng có các loại sau:
a) Hợp đồng tư vấn xây dựng (viết tắt là hợp đồng tư vấn) là hợp đồng để thực hiện một, một số hay toàn bộ công việc tư vấn trong hoạt động đầu tư xây dựng;
b) Hợp đồng thi công xây dựng công trình (viết tắt là hợp đồng thi công xây dựng) là hợp đồng để thực hiện việc thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình hoặc phần việc xây dựng theo thiết kế xây dựng công trình; hợp đồng tổng thầu thi công xây dựng công trình là hợp đồng thi công xây dựng để thực hiện tất cả các công trình của một dự án đầu tư;
c) Hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị là hợp đồng thực hiện việc mua sắm vật tư, thiết bị để lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế công nghệ; hợp đồng tổng thầu mua sắm vật tư, thiết bị là hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị cho tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng.
...
Như vậy, hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị là hợp đồng thực hiện việc mua sắm vật tư, thiết bị để lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế công nghệ.
Hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị là hợp đồng thực hiện việc gì? (Hình từ Internet)
Phạm vi công việc thực hiện được xác định đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ thế nào?
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 12 Nghị định 37/2015/NĐ-CP về nội dung và khối lượng công việc của hợp đồng xây dựng quy định như sau:
Nội dung và khối lượng công việc của hợp đồng xây dựng
1. Nội dung và khối lượng công việc của hợp đồng xây dựng là những nội dung, khối lượng công việc mà bên giao thầu ký kết với bên nhận thầu phù hợp với phạm vi công việc của hợp đồng và phải được các bên thỏa thuận rõ trong hợp đồng. Phạm vi công việc được xác định căn cứ vào hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất, các biên bản đàm phán và các văn bản pháp lý có liên quan. Tùy theo loại hợp đồng xây dựng cụ thể, phạm vi công việc thực hiện được xác định như sau:
a) Đối với hợp đồng tư vấn xây dựng: Là việc lập quy hoạch; lập dự án đầu tư xây dựng; thiết kế; khảo sát; quản lý dự án; quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng; giám sát thi công xây dựng; thẩm tra thiết kế, dự toán và các công việc tư vấn khác trong hoạt động đầu tư xây dựng;
b) Đối với hợp đồng thi công xây dựng: Là việc cung cấp vật liệu xây dựng, nhân lực, máy và thiết bị thi công và thi công xây dựng công trình theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
c) Đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ: Là việc cung cấp thiết bị; hướng dẫn lắp đặt, sử dụng, vận hành thử, vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ (nếu có) theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
d) Đối với hợp đồng EPC: Là việc thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị và thi công xây dựng công trình; đào tạo và hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa; chuyển giao công nghệ; vận hành thử không tải và có tải; những công việc khác theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
đ) Đối với hợp đồng chìa khóa trao tay: Nội dung chủ yếu là việc lập dự án đầu tư xây dựng; thiết kế; cung cấp thiết bị và thi công xây dựng công trình; đào tạo và hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa; chuyển giao công nghệ; vận hành thử không tải và có tải; bàn giao công trình sẵn sàng đi vào hoạt động cho bên giao thầu và những công việc khác theo đúng dự án được phê duyệt.
2. Việc điều chỉnh khối lượng công việc của hợp đồng được thực hiện theo quy định tại Điều 37 Nghị định này.
Theo đó, phạm vi công việc thực hiện được xác định đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ là việc cung cấp thiết bị; hướng dẫn lắp đặt, sử dụng, vận hành thử, vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ (nếu có) theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
Mức tạm ứng hợp đồng tối thiểu đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ là bao nhiêu?
Căn cứ điểm c khoản 5 Điều 18 Nghị định 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 9 Nghị định 35/2023/NĐ-CP về tạm ứng hợp đồng xây dựng quy định như sau:
Tạm ứng hợp đồng xây dựng
...
5. Mức tạm ứng hợp đồng không được vượt quá 30% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết (bao gồm cả dự phòng nếu có). Trường hợp cần tạm ứng với mức cao hơn phải được người quyết định đầu tư cho phép. Đối với dự án mà người quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, việc quyết định mức tạm ứng cao hơn do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; mức tạm ứng tối thiểu được quy định như sau:
a) Đối với hợp đồng tư vấn:
- 15% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị trên 10 tỷ đồng.
- 20% giá hợp đồng đối với các hợp đồng có giá trị đến 10 tỷ đồng.
b) Đối với hợp đồng thi công xây dựng công trình:
- 10% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng.
- 15% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng.
- 20% giá hợp đồng đối với các hợp đồng có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
c) Đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng EC, EP, PC và EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay và các loại hợp đồng xây dựng khác: 10% giá hợp đồng.
d) Trường hợp các bên thỏa thuận tạm ứng ở mức cao hơn mức tạm ứng tối thiểu nêu tại Điểm a, b, c Khoản này, thì phần giá trị hợp đồng tương ứng với mức tạm ứng hợp đồng vượt mức tạm ứng tối thiểu sẽ không được điều chỉnh giá kể từ thời điểm tạm ứng.
đ) Tiền tạm ứng được thu hồi dần qua các lần thanh toán, mức thu hồi của từng lần do hai bên thống nhất ghi trong hợp đồng nhưng phải bảo đảm tiền tạm ứng được thu hồi hết khi giá trị thanh toán đạt 80% giá hợp đồng đã ký kết.
...
Như vậy, mức tạm ứng hợp đồng tối thiểu đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng EC, EP, PC, EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay và các loại hợp đồng xây dựng khác là 10% giá trị hợp đồng.