Hướng dẫn kê khai đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất Mẫu số 04/ĐK mới nhất
Nội dung chính
Tải Mẫu đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất Mẫu số 04/ĐK
Căn cứ theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định Mẫu số 04/ĐK là Mẫu đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất (đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).
>>> Tải về Mẫu đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất Mẫu số 04/ĐK tại đây
Hướng dẫn kê khai đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất Mẫu số 04/ĐK mới nhất (Ảnh từ Internet)
Hướng dẫn kê khai đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất Mẫu số 04/ĐK mới nhất
Căn cứ theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định hướng dẫn kê khai đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất thực hiện theo Mẫu số 04/ĐK như sau:
Đối với người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người quản lý đất
(1) Tên
Cá nhân
- Ghi họ và tên bằng chữ in hoa, năm sinh theo giấy tờ nhân thân;
- Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì ghi họ tên, năm sinh, quốc tịch;
- Cộng đồng dân cư: Ghi tên của cộng đồng dân cư.
(2) Giấy tờ nhân thân
- Ghi số định danh cá nhân hoặc số, ngày cấp và nơi cấp hộ chiếu.
(3) Địa chỉ
- Cá nhân: Ghi địa chỉ nơi đăng ký thường trú;
- Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì ghi địa chỉ đăng ký thường trú ở Việt Nam (nếu có);
- Cộng đồng dân cư: Ghi địa chỉ nơi sinh hoạt chung của cộng đồng.
Đối với thửa đất đăng ký
(4) Tờ bản đồ số
- Ghi số hiệu của thửa đất và số tờ bản đồ địa chính hoặc ghi số hiệu thửa đất và số hiệu mảnh trích đo bản đồ địa chính (nếu có thông tin).
(5) Địa chỉ
Ghi tên khu vực (xứ đồng, điểm dân cư....); số nhà, tên đường phố (nếu có), thôn, tổ dân phố, tên đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nơi có thửa đất.
(6) Diện tích của thửa đất
- Ghi diện tích của thửa đất bằng số Ả Rập, được làm tròn số đến một chữ số thập phân;
- Diện tích “Sử dụng chung” là phần diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người sử dụng đất;
- Diện tích “Sử dụng riêng” là phần diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của một người sử dụng đất (một cá nhân, một cộng đồng dân cư).
(7) Sử dụng vào mục đích
- Ghi mục đích đang sử dụng chính của thửa đất. Từ thời điểm ghi ngày ... tháng ... năm...
(8) Thời hạn đề nghị được sử dụng đất
- Ghi “đến ngày …/…/…” hoặc “Lâu dài” hoặc ghi bằng dấu “-/-“ nếu không xác định được thời hạn.
(9) Nguồn gốc sử dụng đất
- Ghi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm hoặc nhận chuyển quyền (chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn) hoặc nguồn gốc khác như do ông cha để lại, lấn, chiếm, giao đất không đúng thẩm quyền, khai hoang...
(10) Có quyền hoặc hạn chế quyền đối với thửa đất liền kề
- Ghi theo văn bản xác lập quyền được sử dụng.
Đối với nhà ở, công trình xây dựng
(11) Loại nhà ở, công trình xây dựng
- Ghi Nhà ở riêng lẻ/căn hộ chung cư/văn phòng/nhà xưởng...
(12) Địa chỉ
- Ghi tên công trình hoặc tên tòa nhà; tên khu vực (xứ đọng, điểm dân cư,...); số nhà, tên đường phố (nếu có), thôn, tổ dân phố, tên đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nơi có thửa đất.
(13) Diện tích xây dựng
- Đối với nhà ở riêng lẻ, công trình xây dựng độc lập ghi diện tích mặt bằng chiếm đất của nhà ở, công trình tại vị trí tiếp xúc với mặt đất theo mép ngoài tường bao của nhà ở, công trình được làm tròn số đến một chữ số thập phân.
- Đối với căn hộ chung cư, văn phòng, hạng mục công trình thuộc tòa nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp thì ghi diện tích sàn/diện tích sử dụng căn hộ chung cư, văn phòng, hạng mục công trình đó.
(14) Diện tích sàn xây dựng/diện tích sử dụng
- Đối với nhà ở, công trình một tầng thì không ghi nội dung này.
- Đối với nhà ở, công trình nhiều tầng thì ghi tổng diện tích mặt bằng sàn xây dựng của các tầng.
(15) Sở hữu chung
- Diện tích “Sở hữu chung” là phần diện tích thuộc quyền sở hữu của nhiều người; Diện tích “Sở hữu riêng" là phần diện tích thuộc quyền sở hữu của một người (một cá nhân, một cộng đồng dân cư).
(16) Sở hữu riêng
- Ghi tự đầu tư xây dựng, mua, được tặng cho ...
(17) Thời hạn sở hữu
- Ghi “đến ngày …/…/…” hoặc ghi bằng dấu “-/-” nếu không xác định được thời hạn.
Như vậy, trên đây là hướng dẫn kê khai đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất Mẫu số 04/ĐK mới nhất theo như quy định nêu trên.
Đăng ký trên giấy hay đăng ký điện tử có giá trị pháp lý hơn?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 131 Luật Đất đai 2024 quy định nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất như sau:
Nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất
1. Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý.
2. Tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng được đăng ký theo yêu cầu của chủ sở hữu.
3. Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.
4. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao đất để quản lý đã kê khai đăng ký được ghi vào hồ sơ địa chính và được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật này.
5. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Như vậy, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.