Loading


Hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia được không?

Hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia được không? Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất phải đảm bảo những nguyên tắc gì?

Nội dung chính

    Hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia được không?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP như sau:

    Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất
    1. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả:
    a) Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;
    b) Văn phòng đăng ký đất đai;
    c) Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
    2. Hình thức nộp hồ sơ:
    Người yêu cầu đăng ký được lựa chọn nộp hồ sơ theo các hình thức sau đây:
    a) Nộp trực tiếp tại các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này;
    b) Nộp thông qua dịch vụ bưu chính;
    c) Nộp tại địa điểm theo thỏa thuận giữa người yêu cầu đăng ký và Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai;
    d) Nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh;
    đ) Khi nộp hồ sơ tại cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này theo hình thức quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì người yêu cầu đăng ký được lựa chọn nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu hoặc nộp bản chính giấy tờ hoặc nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản này; trường hợp nộp hồ sơ theo hình thức quy định tại điểm d khoản này thì hồ sơ nộp phải được số hóa từ bản chính hoặc bản sao giấy tờ đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;
    e) Đối với thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà thực hiện xác nhận thay đổi trên Giấy chứng nhận đã cấp thì người yêu cầu đăng ký nộp bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
    ...

    Theo đó, việc nộp hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất có nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP có quy định những hình thức nộp hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất như:

    (1) Nộp trực tiếp tại các cơ quan.

    (2) Nộp thông qua dịch vụ bưu chính.

    (3) Nộp tại địa điểm theo thỏa thuận giữa người yêu cầu đăng ký và Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

    (4) Nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.

    Như vậy, việc nộp hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia cũng là một trong những hình thức nộp hồ sơ được quy định.

    Hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia được không? (Ảnh từ Internet)

    Hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia được không? (Ảnh từ Internet)

    Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm gì trong việc tổ chức triển khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức triển khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất.

    Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã đều có trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất như sau:

    (1) Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

    - Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và lập, cập nhật, chỉnh lý và quản lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;

    - Bố trí kinh phí để thực hiện việc đăng ký đất đai lần đầu.

    (2) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm triển khai đăng ký đất đai; hằng năm chỉ đạo rà soát và tổ chức đăng ký đất đai đối với các trường hợp chưa thực hiện đăng ký trên địa bàn; chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý các trường hợp không đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật.

    (3) Còn đối với Ủy ban nhân dân cấp xã thì trách nhiệm được quy định như sau:

    - Tổ chức việc đăng ký đất đai trên địa bàn; hướng dẫn, tuyên truyền người sử dụng đất thực hiện việc đăng ký đất đai; kiểm tra, xử lý các trường hợp không đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật;

    - Thực hiện các công việc quy định tại Điều 33 Nghị định 101/2024/NĐ-CP;

    - Thành lập Hội đồng đăng ký đất đai lần đầu (sau đây gọi là Hội đồng đăng ký đất đai) để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

    Thành phần Hội đồng đăng ký đất đai bao gồm đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp xã; công chức làm công tác địa chính, tư pháp ở cấp xã; người đứng đầu, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, làng, ấp, bản, bon, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, điểm dân cư nơi có đất và các thành phần khác do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định.

    Hội đồng đăng ký đất đai hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, thông qua họp trực tiếp hoặc gửi lấy ý kiến các thành viên. Kết quả tư vấn của Hội đồng đăng ký đất đai là căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 Nghị định 101/2024/NĐ-CP;

    - Thời gian thực hiện các công việc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 Nghị định 101/2024/NĐ-CP theo thủ tục hành chính do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng không vượt quá 10 ngày làm việc.

    Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất phải đảm bảo những nguyên tắc gì?

    Theo quy định tại Điều 131 Luật Đất đai 2024 quy định về nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất.

    Như vậy, đối với việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất phải đảm bảo tuân thủ 4 nguyên tắc như sau:

    (1) Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý.

    (2) Tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng được đăng ký theo yêu cầu của chủ sở hữu.

    (3) Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.

    (4) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao đất để quản lý đã kê khai đăng ký được ghi vào hồ sơ địa chính và được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật Đất đai 2024.

    saved-content
    unsaved-content
    132