Thửa đất được Nhà nước giao cho thuê để sử dụng không đăng ký đất đai lần đầu bị phạt hành chính bao nhiêu?
Nội dung chính
Thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng không đăng ký đất đai lần đầu bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 132 Luật Đất đai 2024 quy định những trường hợp phải đăng ký lần đầu đối với đất đai, tài sản gắn liền với đất như sau:
Đăng ký lần đầu
1. Đăng ký lần đầu đối với đất đai, tài sản gắn liền với đất được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;
b) Thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng;
c) Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký;
d) Tài sản gắn liền với đất mà có nhu cầu đăng ký đồng thời với đăng ký đất đai trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện đăng ký lần đầu cho các trường hợp chưa đăng ký.
Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về không đăng ký đất đai như sau:
Không đăng ký đất đai
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 132 Luật Đất đai.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, i, k, l, m và q khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
Như vậy, đối với trường hợp thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng không đăng ký đất đai lần đầu bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện đăng ký đất đai theo như quy định trên.
Lưu ý: Mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính. (khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP)
Thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng không đăng ký đất đai lần đầu bị phạt hành chính bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Có bao nhiêu biện pháp khắc phục hậu quả khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 123/2024/NĐ-CP và điểm a, điểm i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
(1) Buộc đăng ký đất đai;
(2) Buộc thực hiện thủ tục để được phê duyệt dự án chăn nuôi tập trung có quy mô lớn;
(3) Buộc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và làm thủ tục để được bàn giao đất trên thực địa;
(4) Buộc bên nhận chuyển quyền, bên thuê, bên thuê lại, bên nhận góp vốn, bên nhận tài sản gắn liền với đất phải trả lại đất;
(5) Buộc chấm dứt hợp đồng cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, chuyển đổi, góp vốn, mua, bán tài sản gắn liền với đất; mua, bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất;
(6) Buộc lập phương án sử dụng đất nông nghiệp đối với tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp;
(7) Buộc thành lập tổ chức kinh tế và lập phương án sử dụng đất trồng lúa đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa vượt hạn mức;
(8) Buộc trả lại tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất;
(9) Buộc ký lại hợp đồng thuê đất;
(10) Buộc phải nộp hồ sơ để làm thủ tục xin chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án;
(11) Buộc đưa đất vào sử dụng;
(12) Buộc nộp hồ sơ để làm thủ tục chuyển sang thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
(13) Hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai;
(14) Buộc phải cung cấp, cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu.
(15) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
(16) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;
Như vậy, có 16 biện pháp khắc phục hậu quả khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tùy thuộc vào căn cứ tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính mà xác định biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định trên.
Nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 131 Luật Đất đai 2024 quy định đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất thực hiện theo nguyên tắc như sau:
Nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất
1. Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý.
2. Tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng được đăng ký theo yêu cầu của chủ sở hữu.
3. Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.
4. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao đất để quản lý đã kê khai đăng ký được ghi vào hồ sơ địa chính và được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật này.
5. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Như vậy, nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo như quy định trên.