Loading


Khi có quyền thừa kế nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là khi nào?

Khi có quyền thừa kế nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là khi nào? Khi có quyền thừa kế thì cá nhân nước ngoài được sở hữu bao nhiêu căn hộ trong 1 nhà chung cư?

Nội dung chính

    Khi có quyền thừa kế nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là khi nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Luật Nhà ở 2023 về thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở như sau:

    Thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở
    5. Trường hợp thừa kế nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
    6. Trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
    7. Giao dịch về nhà ở quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này phải tuân thủ điều kiện về giao dịch nhà ở và hợp đồng phải có hiệu lực theo quy định của Luật này.

    Căn cứ theo Điều 614 Bộ Luật dân sự 2015 về thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế như sau:

    Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế
    Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

    Căn cứ theo Điều 611 Bộ Luật dân sự 2015 về thời điểm mở thừa kế như sau:

    Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
    1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
    2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.

    Như vậy, thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở đối với người có quyền thừa kế là thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết hoặc được Tòa án tuyên bố là đã chết.

    Khi có quyền thừa kế nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là khi nào?

    Khi có quyền thừa kế nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là khi nào? (Hình từ Internet)

    Cá nhân nước ngoài có quyền thừa kế nhà ở cần thực hiện các nghĩa vụ gì khi có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

    Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Luật Nhà ở 2023 có nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam theo khoản 1 Điều 11 Luật Nhà ở 2023 bao gồm:

    - Chủ sở hữu nhà ở phải sử dụng đúng mục đích và lưu trữ hồ sơ liên quan đến nhà ở của mình.

    - Họ cần thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo vệ sinh, môi trường và trật tự an toàn xã hội theo quy định.

    - Chủ sở hữu phải tuân thủ pháp luật khi bán, cho thuê, tặng cho, hoặc thực hiện các giao dịch khác liên quan đến nhà ở. Nếu nhà ở là tài sản chung của vợ chồng, họ cần tuân theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Nếu giao dịch liên quan đến nhà ở có thời hạn, phải trả lại nhà khi hết thời gian quy định.

    - Họ cũng phải không gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước và của tổ chức, cá nhân khác khi bảo trì, cải tạo, hoặc xây dựng lại nhà. Nếu có thỏa thuận về giao dịch nhà ở có thời hạn, cần thực hiện theo thỏa thuận đó.

    - Chủ sở hữu phải mua bảo hiểm cháy nổ nếu luật quy định bắt buộc.

    - Họ phải chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước về xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hoặc phá dỡ nhà ở.

    - Chủ sở hữu cần tạo điều kiện cho các bên liên quan thực hiện kiểm tra, bảo trì hệ thống trang thiết bị và khu vực chung.

    - Họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi được công nhận quyền sở hữu và trong các giao dịch liên quan đến nhà ở.

    - Ngoài ra, họ còn phải thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

    Ngoài ra, cá nhân nước ngoài khi nhận được quyền thừa kế sở hữu nhà ở tại Việt Nam cần phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Nhà ở 2023 sau đây:

    - Chủ sở hữu nhà ở là cá nhân nước ngoài có thể cho thuê nhà để sử dụng cho những mục đích hợp pháp. Trước khi cho thuê, họ phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nơi có nhà và nộp thuế theo quy định. Nếu cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam sống tại Việt Nam, họ sẽ có nghĩa vụ như công dân Việt Nam. Nếu kết hôn với người Việt định cư ở nước ngoài, họ có nghĩa vụ như người Việt định cư ở nước ngoài.

    - Việc thanh toán tiền mua hoặc thuê nhà phải được thực hiện qua tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

    - Nếu cá nhân nước ngoài bị buộc xuất cảnh hoặc tổ chức nước ngoài bị buộc ngừng hoạt động tại Việt Nam do vi phạm pháp luật, nhà ở thuộc sở hữu của họ sẽ bị xử lý theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.

    Khi có quyền thừa kế thì cá nhân nước ngoài được sở hữu bao nhiêu căn hộ trong cùng 1 nhà chung cư?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Nhà ở 2023 về số lượng nhà ở mà cá nhân nước ngoài được sở hữu như sau:

    Số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam

    1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 17 của Luật này chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có quy mô về dân số tương đương một phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.

    ...

    Theo đó, khi có quyền thừa kế thì cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong cùng một tòa nhà chung cư. Ví dụ, một căn hộ chung cư có 50 căn hộ thì cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 15 căn hộ.

    saved-content
    unsaved-content
    192