Khu bảo tồn biển đầu tiên được thành lập ở Việt Nam là khu bảo tồn nào?
Nội dung chính
Khu bảo tồn biển đầu tiên được thành lập ở Việt Nam là khu bảo tồn nào?
Theo khoản 6 Điều 3 Luật Thủy sản 2017 định nghĩa Khu bảo tồn biển là loại hình khu bảo tồn thiên nhiên, được xác lập ranh giới trên biển, đảo, quần đảo, ven biển để bảo vệ đa dạng sinh học biển.
Khu Bảo tồn biển Hòn Mun vốn được thành lập từ năm 2001. Mục tiêu ưu tiên hàng đầu là bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học thuộc nhiều hệ sinh thái quan trọng (sinh vật biển, san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn…) vô cùng phong phú trong vịnh Nha Trang.
Khu bảo tồn biển Hòn Mun nằm trong vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với diện tích khoảng 160 km2 trong đó có khoảng 38km2 mặt đất và 122km2 vùng nước xung quanh các đảo, khu vực này nổi bật với đa dạng sinh học phong phú.
Rạn san hô có tầm quan trọng mang tính quốc tế và đa dạng sinh học cao nhất ở nước ta, gồm hơn 222 loài cá rạn, trên 350 loài san hô (chiếm 40% san hô tạo rạn trên thế giới), 120 loài thân mềm, 70 loài giáp xác, 30 loài da gai, 70 loài rong biển và khoảng 7 loài cỏ biển. Vịnh Nha Trang là nơi san hô sống phát triển tốt, có diện tích khoảng 252 ha với độ phủ rất cao.
Tổng diện tích thảm cỏ biển trong toàn vịnh Nha Trang khoảng 78 ha. Thảm cỏ biển đóng vai trò quan trọng trong quá trình hấp thu chất dinh dưỡng và kim loại có trong môi trường biển nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường.
Do đó về lâu dài, khu bảo tồn này cần có một kế hoạch quản lý thích hợp, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân để họ phát triển kinh tế bền vững. Hoạt động tuyên truyền tăng cường, nhất là đối với cư dân tại chỗ, khách du lịch trong việc chung tay, góp sức bảo vệ, giữ gìn môi trường.
Như vậy, Năm 2001, Dự án bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam ra đời. Đó là Khu bảo tồn biển Hòn Mun, đến năm 2005 đổi tên là khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang.
Khu bảo tồn biển đầu tiên được thành lập ở Việt Nam là khu bảo tồn nào? (hình từ internet)
Khu bảo tồn biển bao gồm những loại hình nào? Tiêu chí xác lập đối với mỗi loại hình như thế nào?
Khu bảo tồn biển bao gồm các loại hình được nêu tại khoản 1 Điều 15 Luật Thủy sản 2017 như sau:
- Vườn quốc gia;
- Khu dự trữ thiên nhiên;
- Khu bảo tồn loài - sinh cảnh;
- Khu bảo vệ cảnh quan.
Theo đó, các tiêu chí xác định đối với các loại hình của khu bảo tồn biển được quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 15 Luật Thủy sản 2017, cụ thể:
- Tiêu chí xác lập khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
- Tiêu chí xác lập vườn quốc gia bao gồm:
+ Có hệ sinh thái biển quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên;
+ Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc thuộc nhóm loài thủy sản cấm khai thác trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
+ Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục;
+ Có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, có giá trị du lịch sinh thái.
- Tiêu chí xác lập khu bảo tồn loài - sinh cảnh bao gồm:
+ Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc thuộc nhóm loài thủy sản cấm khai thác trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục;
+ Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp tỉnh là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thủy sản đặc hữu hoặc loài thủy sản bản địa có giá trị đặc biệt về khoa học, kinh tế; có giá trị đặc biệt về sinh thái, môi trường.