Loading


Luật Đất đai 2024 quy định đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý là loại đất nào?

Luật Đất đai 2024 quy định đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý là loại đất nào? Đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý có được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất không? Nội dung quản lý nhà nước về đất đai được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Luật Đất đai 2024 quy định đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý là loại đất nào?

    Căn cứ Điều 217 Luật Đất đai 2024 quy định đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý:

    Đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý

    1. Đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý là đất chưa giao, chưa cho thuê hoặc đã được giao đất để quản lý, bao gồm:

    a) Đất sử dụng vào mục đích công cộng;

    b) Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối, ao, hồ, đầm, phá;

    c) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;

    d) Đất có mặt nước chuyên dùng;

    đ) Đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;

    e) Đất do Nhà nước thu hồi và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý;

    g) Đất do Nhà nước thu hồi và giao Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý trong các trường hợp tại điểm đ khoản 1 và khoản 3 Điều 82; khoản 2 Điều 82 tại khu vực nông thôn; khoản 5 Điều 86; điểm e khoản 2 Điều 181 của Luật này;

    h) Đất giao lại, chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao khi không có nhu cầu sử dụng đất thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và quy định của pháp luật có liên quan;

    i) Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn;

    k) Đất chưa sử dụng.

    2. Cơ quan, tổ chức của Nhà nước được giao quản lý quỹ đất quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm quản lý, bảo toàn diện tích đất được giao quản lý; việc sử dụng quỹ đất nêu trên thực hiện theo chế độ sử dụng đất tương ứng theo quy định của Luật này.

    Như vậy, Luật Đất đai 2024 quy định đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý là loại đất sau:

    - Đất sử dụng vào mục đích công cộng

    - Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối, ao, hồ, đầm, phá

    - Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt

    - Đất có mặt nước chuyên dùng

    - Đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất

    - Đất do Nhà nước thu hồi và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý

    - Đất do Nhà nước thu hồi và giao Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý trong các trường hợp sau tại khu vực nông thôn:

    + Thu hồi đất trong trường hợp đã bị thu hồi rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

    + Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất khác trong khu vực bị ô nhiễm môi trường không còn khả năng tiếp tục sử dụng theo mục đích đã xác định

    + Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người; đất khác bị sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác mà không còn khả năng tiếp tục sử dụng.

    + Người sử dụng đất giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất và có đơn tự nguyện trả lại đất.

    + Đất do Nhà nước thu hồi và giao Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý trong các trường hợp đã thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh; để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà chưa giao, chưa cho thuê sử dụng.

    + Đất do các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương vào mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa thực hiện

    - Đất giao lại, chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao khi không có nhu cầu sử dụng đất thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và quy định của pháp luật có liên quan;

    - Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn;

    - Đất chưa sử dụng.

    Đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý có được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất không?

    Căn cứ Điều 101 Luật Đất đai 2024 quy định trường hợp không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất:

    Trường hợp không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất

    1. Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 107 của Luật này.

    2. Đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý quy định tại Điều 217 của Luật này.

    3. Đất thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 81, khoản 1 và khoản 2 Điều 82 của Luật này.

    4. Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 96 của Luật này.

    Theo quy định trên, đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.

    Nội dung quản lý nhà nước về đất đai được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 20 Luật Đất đai 2024 quy định nội dung quản lý nhà nước về đất đai như sau:

    - Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.

    - Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng đất đai.

    - Xác định địa giới đơn vị hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.

    - Đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất.

    - Điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai.

    - Lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

    - Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

    - Điều tra, xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất.

    - Quản lý tài chính về đất đai.

    - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trưng dụng đất.

    - Phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất.

    - Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận.

    - Thống kê, kiểm kê đất đai.

    - Xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.

    - Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

    - Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.

    - Cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ công về đất đai.

    - Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

    saved-content
    unsaved-content
    159