Một số điểm mới của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024
Nội dung chính
Một số điểm mới của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024
Ngày 26 tháng 11 năm 2024, Quốc hội chính thức ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, thay thế cho Luật Quy hoạch đô thị 2009 và sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan.
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 chính thức có hiệu lực từ 01/7/2025
Cụ thể, một số điểm mới trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 so với Luật Quy hoạch đô thị 2009 như sau:
(1) Không yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch
Cụ thể, tại Điều 36 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 quy định:
Lấy ý kiến về nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn
1. Trách nhiệm lấy ý kiến được quy định như sau:
a) Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn có trách nhiệm lấy ý kiến trong quá trình lập nhiệm vụ quy hoạch. Đối với nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn thuộc trách nhiệm tổ chức lập của Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến;
b) Cơ quan thẩm định nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn có trách nhiệm lấy ý kiến trong quá trình thẩm định nhiệm vụ quy hoạch.
2. Đối tượng lấy ý kiến gồm các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
3. Nội dung lấy ý kiến gồm nội dung của nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn; đối với những nội dung thuộc bí mật nhà nước phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
4. Việc lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn được thực hiện theo hình thức gửi hồ sơ để đối tượng lấy ý kiến nghiên cứu, có ý kiến bằng văn bản. Các cơ quan được yêu cầu có trách nhiệm cho ý kiến bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định.
5. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch trước khi trình thẩm định, trình phê duyệt. Nội dung báo cáo tiếp thu, giải trình phải được công bố công khai và bảo đảm quy chế dân chủ, công khai, minh bạch.
Có thể thấy, so với Luật Quy hoạch đô thị 2009, hiện tại không còn yêu cầu lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ quy hoạch đô thị.
(2) Bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm
Theo đó, tại Điều 34 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 đã có quy định rõ hơn về quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc trung ương như sau:
Quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc trung ương
1. Quy hoạch không gian ngầm bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Xác định yêu cầu, nội dung theo quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt;
b) Đánh giá các điều kiện tự nhiên, địa chất công trình, địa chất thủy văn;
c) Đánh giá hiện trạng về xây dựng các công trình trên mặt đất và ngầm;
d) Xác định nhu cầu phát triển và sử dụng không gian ngầm;
đ) Xác định khu vực khai thác, sử dụng không gian ngầm, khu vực hạn chế, khu vực cấm xây dựng công trình ngầm;
e) Xác định khu vực xây dựng công trình công cộng ngầm được hình thành theo dự án độc lập; công trình giao thông ngầm; khu vực xây dựng công trình trên mặt đất để sử dụng đấu nối không gian cho mục đích kết nối công trình ngầm; yêu cầu về bảo vệ môi trường;
g) Xác định các giai đoạn thực hiện quy hoạch.
2. Các bản vẽ thể hiện nội dung của quy hoạch không gian ngầm được lập theo tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/5.000 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định.
3. Thời hạn của quy hoạch không gian ngầm được xác định trên cơ sở quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đó, đã bổ sung quy định rõ hơn về nội dung quy hoạch không gian ngầm được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương.
(3) Bổ sung, quy định chặt chẽ hơn đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch
Tại khoản 2 Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 quy định như sau:
Các loại điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn và nguyên tắc điều chỉnh
...
2. Điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị và nông thôn được quy định như sau:
a) Điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị và nông thôn được tiến hành trên cơ sở kết quả rà soát quy hoạch đô thị và nông thôn và khi có một trong các điều kiện điều chỉnh quy hoạch quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 45 của Luật này mà nội dung dự kiến điều chỉnh không làm thay đổi tính chất, chức năng, phạm vi ranh giới, các giải pháp quy hoạch chính của khu vực đã được lập, phê duyệt quy hoạch và đánh giá tác động của việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch bảo đảm không làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Khi xuất hiện điều kiện quy định tại khoản 8 Điều 45 của Luật này, quy hoạch chi tiết được điều chỉnh cục bộ mà không phải thực hiện rà soát quy hoạch;
b) Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị và nông thôn không thực hiện trình tự lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn được lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch hoặc lựa chọn tổ chức tư vấn đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật này để tổ chức lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch.
Như vậy, theo quy định mới đã bổ sung quy định rõ hơn đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch, như:
Điều chỉnh cục bộ có thể tiến hành nếu không làm thay đổi tính chất, chức năng, phạm vi ranh giới, các giải pháp chính của quy hoạch đã phê duyệt.
Quy hoạch chi tiết có thể điều chỉnh cục bộ mà không cần rà soát nếu thuộc điều kiện khoản 8 Điều 45 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024.
(4) Bổ sung quy định rõ hơn về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch, đảm bảo nguồn lực thực hiện quy hoạch
Tại Điều 10 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 đã bổ sung rõ hơn về quy định kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn như sau:
(1) Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
(2) Nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm:
- Kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước;
- Kinh phí của tổ chức được lựa chọn làm chủ đầu tư;
- Nguồn kinh phí hợp pháp khác.
(3) Kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn được sử dụng đối với các công việc sau đây:
- Khảo sát địa hình phục vụ lập quy hoạch đô thị và nông thôn;
- Lập và điều chỉnh, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn;
- Quản lý nghiệp vụ công tác lập quy hoạch đô thị và nông thôn;
- Công bố, công khai quy hoạch đô thị và nông thôn;
- Cắm mốc theo quy hoạch đô thị và nông thôn;
- Lập báo cáo rà soát quy hoạch; tổ chức đấu thầu; tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch;
- Xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn;
- Công việc khác liên quan đến hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
(5) Chỉ thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi họp Hội đồng thẩm định các quy hoạch chung đô thị loại III trở lên và quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số tương đương đô thị loại III trở lên
Cụ thể, theo điểm b khoản 2 Điều 37 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 nêu rõ:
Lấy ý kiến về quy hoạch đô thị và nông thôn
...
2. Đối tượng lấy ý kiến về quy hoạch đô thị và nông thôn được quy định như sau:
...
b) Đối với quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại II, đô thị loại III, quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại II, đô thị loại III và quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi họp Hội đồng thẩm định;
...
4. Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, Bộ Xây dựng có trách nhiệm cho ý kiến về sự bảo đảm phù hợp với yêu cầu về phát triển, kết nối hạ tầng kỹ thuật vùng, tỉnh và việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng trong nội dung quy hoạch.
...
Theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị 2009, đối với quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV và đô thị mới..., trước khi phê duyệt, UBND cấp tỉnh phải lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng
Nay theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, điều chỉnh UBND cấp tỉnh chỉ thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi họp Hội đồng thẩm định các quy hoạch chung đô thị loại III trở lên và quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số tương đương đô thị loại III trở lên.
Trên đây là 4 điểm mới nổi bật trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, được áp dụng từ 01/7/2025
Một số điểm mới của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 (Ảnh từ Internet)
Hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn quy định ra sao từ 01/7/2025?
Theo Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 quy định:
Hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn
1. Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn là quy hoạch ngành quốc gia. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
2. Các loại quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm:
a) Quy hoạch đô thị đối với thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thị trấn, đô thị mới;
b) Quy hoạch nông thôn đối với huyện, xã;
c) Quy hoạch khu chức năng đối với khu chức năng;
d) Quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc trung ương;
đ) Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc trung ương.
3. Các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
4. Quy hoạch chung được lập cho thành phố, thị xã, thị trấn, đô thị mới, huyện, xã và khu chức năng là khu kinh tế, khu du lịch quốc gia được xác định trong quy hoạch vùng hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương.
5. Quy hoạch phân khu được lập cho các trường hợp sau đây:
a) Khu vực theo yêu cầu quản lý, phát triển do Chính phủ quy định trong đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II và đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại I, đô thị loại II;
b) Khu chức năng không phải là khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, có quy mô diện tích, yêu cầu quản lý, phát triển do Chính phủ quy định;
c) Khu vực cần phải lập quy hoạch phân khu để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
6. Quy hoạch chi tiết được lập cho các trường hợp sau đây:
a) Khu vực có quy mô diện tích, yêu cầu quản lý, phát triển do Chính phủ quy định thuộc quy hoạch phân khu đã được phê duyệt hoặc thuộc quy hoạch chung đã được phê duyệt trong trường hợp không thuộc quy định tại khoản 5 Điều này;
b) Cụm công nghiệp; khu vực được xác định để đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật về đất đai; khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn được xác định, hình thành theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hoặc chương trình mục tiêu quốc gia khác.
7. Đối với các ô phố, tuyến đường đáp ứng các điều kiện sau đây thì không lập quy hoạch chi tiết mà thực hiện lập thiết kế đô thị riêng, trừ trường hợp phải lập quy chế quản lý kiến trúc theo quy định của pháp luật về kiến trúc:
a) Thuộc khu vực đô thị đã cơ bản ổn định chức năng sử dụng của các lô đất, được định hướng bảo tồn, hạn chế phát triển và có quy hoạch phân khu đã được phê duyệt hoặc quy hoạch chung đã được phê duyệt trong trường hợp không thuộc quy định tại khoản 5 Điều này;
b) Không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 6 Điều này.
Hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn từ 01/7/2025 được quy định như trên.