Loading


Nếu kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp thì bị phạt bao nhiêu tiền?

Nếu kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp thì bị phạt bao nhiêu tiền? Để sàn giao dịch bất động sản hoạt động thì cần đáp ứng điều kiện gì?

Nội dung chính

    Nếu kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp thì bị phạt bao nhiêu tiền?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 2, 4, 5 Điều 59 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản như sau:

    Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản
    2. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định;
    b) Hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản không được lập thành văn bản hoặc không đầy đủ các nội dung chính theo quy định;
    c) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định;
    d) Sàn giao dịch bất động sản không có quy chế hoạt động hoặc hoạt động sai quy chế được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc hoạt động không có tên, địa chỉ theo quy định hoặc thay đổi tên, địa chỉ hoạt động nhưng không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
    đ) Thu các loại phí kinh doanh dịch vụ bất động sản mà pháp luật không quy định.
    4. Hình thức xử phạt bổ sung:
    a) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
    b) Đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều này.
    5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    a) Buộc có chứng chỉ hành nghề theo quy định khi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
    b) Buộc nộp lại chứng chỉ hành nghề bị tẩy xóa, sửa chữa cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp chứng chỉ hành nghề với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
    c) Buộc thành lập doanh nghiệp theo quy định khi kinh doanh dịch vụ bất động sản hoặc buộc có đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
    d) Buộc lập hợp đồng hoặc hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản đầy đủ các nội dung chính theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
    đ) Buộc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
    e) Buộc trả lại cho bên nộp tiền các loại phí kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này;
    g) Buộc cung cấp thông tin về bất động sản theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

    Theo đó, khi kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng. Đồng thời còn bị đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản từ 06 tháng đến 09 tháng và buộc thành lập doanh nghiệp theo quy định khi kinh doanh dịch vụ bất động sản.

    Lưu ý: mức phạt tiền quy định trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP)

    Nếu kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp thì bị phạt bao nhiêu tiền? Nếu kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp thì bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)

    Để sàn giao dịch bất động sản hoạt động thì cần đáp ứng các điều kiện gì?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 96/2024/NĐ-CP về các điều kiện hoạt động của sàn giao dịch bất động sản như sau:

    Điều kiện hoạt động của sàn giao dịch bất động sản
    1. Sàn giao dịch bất động sản hoạt động phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản.
    2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản phải chịu trách nhiệm về hoạt động của sàn giao dịch bất động sản. Người đại diện theo pháp luật của sàn giao dịch bất động sản có thể đồng thời là người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản.
    3. Sàn giao dịch bất động sản phải có tên, địa chỉ giao dịch ổn định trên 12 tháng và trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu theo nội dung hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.
    4. Sàn giao dịch bất động sản có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống rửa tiền, báo cáo về phòng chống rửa tiền theo quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.

    Đồng thời, dẫn chiếu căn cứ theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 như sau:

    Điều kiện hoạt động của sàn giao dịch bất động sản
    1. Người quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
    a) Có quyền quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
    b) Hoàn thành khóa đào tạo về quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản và được cơ sở đào tạo cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản.
    2. Sàn giao dịch bất động sản phải được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 54 của Luật này.
    3. Sàn giao dịch bất động sản phải ban hành, công khai quy trình giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch bất động sản.
    4. Sàn giao dịch bất động sản phải đăng ký địa điểm hoạt động cố định, có cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm thực hiện các hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.
    5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Như vậy, để sàn giao dịch bất động sản được hoạt động thì cần đáp ứng các điều kiện được quy định nêu trên.

    Đăng ký hoạt động sàn giao dịch bất động sản diễn ra như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 96/2024/NĐ-CP về đăng ký hoạt động sàn giao dịch bất động sản như sau:

    Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký hoạt động:

    Tổ chức hoặc cá nhân muốn thành lập sàn giao dịch bất động sản phải gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi có trụ sở chính của sàn. Hồ sơ có thể nộp trực tiếp, qua bưu điện, hoặc nộp trực tuyến. Hồ sơ đăng ký hoạt động sàn giao dịch bất động sản bao gồm các tài liệu sau:

    - Đơn đăng ký hoạt động của sàn giao dịch bất động sản (theo mẫu tại Phụ lục XVII).

    - Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

    - Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng trụ sở của sàn giao dịch.

    - Bản sao giấy chứng nhận hoàn thành khóa học quản lý sàn giao dịch bất động sản của người quản lý.

    - Danh sách các môi giới bất động sản đã được cấp chứng chỉ hành nghề.

    Bước 2: Xử lý hồ sơ và cấp Giấy phép:

    Trong 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra và cấp Giấy phép hoạt động cho sàn giao dịch bất động sản. Nếu từ chối cấp, cơ quan sẽ thông báo lý do bằng văn bản. Sau khi cấp Giấy phép, cơ quan sẽ báo cáo về Bộ Xây dựng để đăng tải thông tin sàn lên trang thông tin điện tử của Bộ.

    Bước 3: Cập nhật thông tin khi thay đổi (nếu có)

    Nếu có sự thay đổi về tên, địa chỉ trụ sở, người đại diện pháp luật, hoặc các nội dung khác trong hồ sơ đăng ký, sàn giao dịch phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước trong 10 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định thay đổi. Cơ quan quản lý cấp tỉnh sẽ báo cáo về Bộ Xây dựng để cập nhật và đăng tải thông tin mới.

    saved-content
    unsaved-content
    113