Người nước ngoài để được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng bắt buộc phải có giấy phép lao động?
Nội dung chính
Người nước ngoài có được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hay không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 62 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng như sau:
Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
1. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ hành nghề) được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập quy định tại khoản 3 Điều 148 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 53 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.
Các lĩnh vực, phạm vi hoạt động xây dựng của chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại Phụ lục VI Nghị định này. Các hoạt động tư vấn liên quan đến kiến trúc, phòng cháy chữa cháy thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc và phòng cháy chữa cháy.
Theo đó người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam thì được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Các lĩnh vực, phạm vi hoạt động xây dựng của chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP. Các hoạt động tư vấn liên quan đến kiến trúc, phòng cháy chữa cháy thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc và phòng cháy chữa cháy.
Người nước ngoài để được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng bắt buộc phải có giấy phép lao động?
Người nước ngoài để được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng bắt buộc phải có giấy phép lao động không?
Căn cứ tại Điều 66 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về điều kiện người nước ngoài được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng như sau:
Điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề khi đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy tờ về cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
2. Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau:
a) Hạng I: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 07 năm trở lên;
b) Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 04 năm trở lên;
c) Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.
3. Đạt yêu cầu sát hạch đối với lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
Theo quy định trên, điều kiện người nước ngoài được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng tại Việt Nam là không bắt buộc phải có giấy phép lao động tại Việt Nam. Trường hợp không có giấy phép lao động tại Việt Nam có thể thay thế bằng giấy cư trú.
Người nước ngoài hoạt động xây dựng mà không chuyển đổi chứng chỉ hành nghề xây dựng sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 24 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt vi phạm khi người nước ngoài không thực hiện chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng như sau:
Vi phạm quy định về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng có một trong các hành vi sau đây:
a) Hoạt động xây dựng không đủ điều kiện hành nghề theo quy định;
b) Hoạt động xây dựng không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề đã hết hiệu lực hoặc hoạt động sai chứng chỉ hành nghề;
c) Người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam mà không thực hiện việc chuyển đổi chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Theo đó, người nước ngoài khi hành nghề xây dựng tại Việt Nam mà không thực hiện chuyển đổi chứng chỉ hành nghề sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng