Loading


Người sử dụng lao động bị phạt hành chính bao nhiêu đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội?

Hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động bị phạt hành chính bao nhiêu? Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội như thế nào?

Nội dung chính

    Người sử dụng lao động bị phạt hành chính bao nhiêu đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội?

    Tại điểm a khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp như sau:

    Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

    7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

    a) Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

    b) Sửa chữa, làm sai lệch văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề xuất được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    ...

    10. Biện pháp khắc phục hậu quả

    a) Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều này;

    b) Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6, 7 Điều này từ 30 ngày trở lên.

    Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần như sau:

    Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần

    1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Như vậy, người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sẽ bị phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng.

    Mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Còn đối với tổ chức có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên thì sẽ bị phạt gấp 02 lần số tiền đối với cá nhân.

    Ngoài ra còn bị buộc phải đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan BHXH;

    Bị buộc nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian trốn đóng.

    Hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động bị phạt hành chính bao nhiêu? (Hình ảnh từ Internet)

    Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội như thế nào?

    Tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi khoản 51 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động như sau:

    - Công ty đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ từ 06 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    - Trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng;

    - Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người lao động.

    (2) Đối với cá nhân:

    - Khung 01:

    Phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 01 năm nếu:

    + Trốn đóng BHXH từ 50 - dưới 300 triệu đồng;

    + Trốn đóng BHXH từ 10 người - dưới 50 người lao động.

    - Khung 02:

    Phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm nếu:

    + Phạm tội 02 lần trở lên;

    + Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng - dưới 01 tỷ đồng;

    + Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 - dưới 200 người;

    + Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.

    - Khung 03:

    Phạt tiền từ 500 triệu - 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm nếu:

    + Trốn đóng bảo hiểm từ 01 tỷ đồng;

    + Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

    + Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.

    Hình phạt bổ sung:

    Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

    (2) Đối với pháp nhân thương mại

    Pháp nhân thương mại phạm tội trốn đóng BHXH, thì bị phạt như sau:

    - Phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

    + Trốn đóng BHXH từ 50 - dưới 300 triệu đồng;

    + Trốn đóng BHXH từ 10 người - dưới 50 người lao động.

    - Phạt tiền từ 500 triệu - 01 tỷ đồng nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

    + Phạm tội 02 lần trở lên;

    + Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng - dưới 01 tỷ đồng;

    + Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 - dưới 200 người;

    + Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.

    - Phạt tiền từ 01 - 03 tỷ đồng nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

    + Trốn đóng bảo hiểm từ 01 tỷ đồng;

    + Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

    + Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.

    Thời hiệu khiếu nại lần đầu đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là bao lâu?

    Tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định về thời hiệu khiếu nại như sau:

    Thời hiệu khiếu nại

    1. Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, của tổ chức dịch vụ việc làm, tổ chức có liên quan đến hoạt động tạo việc làm cho người lao động, tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bị khiếu nại.

    2. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

    Như vậy, người lao động được khiếu nại người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội cho mình với thời hạn khiếu nại lần đầu là 180 ngày.

    saved-content
    unsaved-content
    22
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ