Nhận chuyển nhượng nhầm đất không đúng mục đích sử dụng đất mình mong muốn phải làm thế nào?

Gia đình nhận chuyển nhượng thửa đất và nhà ở cũ gắn liền với thửa đất nhưng khi muốn xây lại nhà mới để ở thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền không cho phép vì đất đó là đất trồng cây lâu năm và không đúng mục đích sử dụng đất, vậy phải làm sao?

Nội dung chính

    Như thế nào là đúng mục đích sử dụng đất xây nhà ở?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất ở là loại đất thuộc nhóm phi nông nghiệp, sử dụng với mục đích để xây dựng nhà ở và các mục đích khác phục vụ cho đời sống trong cùng một thửa đất.

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất trồng cây lâu năm là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp, sử dụng với mục đích trồng các loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng trong nhiều năm và cho thu hoạch một hoặc nhiều lần.

    Theo đó, tại khoản 1 Điều 5 Luật Đất đai 2024 thì người sử dụng đất phải tuân thủ nguyên tắc khi sử dụng đất là sử dụng đất đúng mục đích của loại đất đó.

    Vì vậy, đối với việc gia đình mua thửa đất trồng cây lâu năm thì sẽ không được xây dựng nhà ở trên diện tích đất đó. Nếu muốn xây nhà ở thì gia đình phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất.

    Đồng thời theo điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 121 Luật Đất đai 2024 thì khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thì gia đình phải thực hiện việc xin phép từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với đất ở sau khi chuyển mục đích sử dụng.

    Như vậy, khi gia đình mua nhầm thửa đất có mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm và muốn xây nhà để ở thì phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng sang đất ở khi đã được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    Nhận chuyển nhượng nhầm đất không đúng mục đích sử dụng đất mình mong muốn phải làm thế nào?

    Mua nhầm đất không đúng mục đích sử dụng đất mình mong muốn phải làm thế nào?(Hình Internet)

    Khi phát hiện mua nhầm đất không đúng mục đích sử dụng đất mong muốn phải làm thế nào?

    Căn cứ theo khoản 12 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì việc mua đất được hiểu là giao dịch giữa đối tượng có quyền sử dụng đất và người không có quyền sử dụng đất nhằm chuyển giao quyền sử dụng đất đó thông qua hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

    Theo Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 thì giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Đối với việc mua đất thì sẽ làm phát sinh quyền sử dụng đất cho bên mua và chấm dứt quyền sử dụng đất cho bên bán. 

    Tuy nhiên, căn cứ theo khoản 1 Điều 126 và khoản 1 Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015 thì giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch sẽ thì giao dịch dân sự vô hiệu. Khi đó các bên sẽ có thể yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, với thời hạn yêu cầu là 2 năm kể từ khi biết được việc nhầm lẫn khi xác lập giao dịch.

    Đồng thời, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 thì giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập và các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

    Như vậy, khi gia đình mua đất sau đó phát hiện có nhầm lẫn và mục đích sử dụng đất của thửa đất đó không đúng với mục đích sử dụng mà mình mong muốn thì trong vòng 2 năm kể từ ngày biết được sự nhầm lẫn, gia đình có thể yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu để trả lại đất và nhận lại tiền mua đất.

    Người chủ cũ thực hiện xây nhà ở trên đất trồng cây lâu năm mà không xin phép thì bị xử phạt như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Luật Đất đai 2024 thì người sử dụng đất phải tuân thủ nguyên tắc khi sử dụng đất là sử dụng đất đúng mục đích của loại đất đó.

    Đồng thời căn cứ theo khoản 2 Điều 11 Luật Đất đai 2024 thì việc vi phạm quy định của pháp luật về quản lý đất đai là hành vi bị nghiêm cấm.

    Theo đó, hành vi sử dụng đất trồng cây lâu năm để xây nhà là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích và vi phạm quy định về đất đai. Vì vậy, người sử dụng đất sẽ bị xử phạt đối với hành vi sử dụng đất sai mục đích đó.

    Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 10 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì người sử dụng đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng sang đất ở mà không xin phép thì sẽ bị xử phạt như sau:

    + Với diện tích dưới 100m2 thì xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

    + Với diện tích từ 100m2 đến dưới 300m2 thì xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

    + Với diện tích từ 300m2 đến dưới 500m2 thì xử phạt từ 30 đến 50 triệu đồng.

    + Với diện tích từ 500m2 đến dưới 1000m2 thì xử phạt từ 50 đến 100 triệu đồng.

    + Với diện tích trên 1000m2 thì xử phạt từ 100 đến 150 triệu đồng.

    Đối với hành vi chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt tương ứng.

    Ngoài ra, người sử dụng đất vi phạm thì phải thực hiện khôi phục lại tình trạng ban đầu của thửa đất và nộp lại số lợi bất hợp pháp.

    Như vậy, khi người chủ cũ không sử dụng đúng mục đích của loại đất trồng cây lâu năm và thực hiện xây nhà trên diện tích đất đó thì sẽ bị phạt từ 10 đến 150 triệu đồng tùy thuộc vào diện tích sử dụng vi phạm. Đồng thời nếu hành vi chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt tương ứng. Ngoài ra còn phải khôi phục tình trạng ban đầu của đất và nộp lại số lợi bất hợp pháp khi sử dụng sai mục đích (nếu có).

    saved-content
    unsaved-content
    23
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT