Loading


Nội dung hợp đồng bảo lãnh không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?

Nội dung hợp đồng bảo lãnh không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì bị phạt hành chính bao nhiêu tiền? Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai bao gồm các nội dung gì?

Nội dung chính

    Nội dung hợp đồng bảo lãnh không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm về kinh doanh bất động sản như sau:

    Vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản
    3. Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định;
    b) Kinh doanh bất động sản không đúng phạm vi được kinh doanh theo quy định;
    c) Triển khai xây dựng dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
    d) Bán hoặc cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai mà không có hợp đồng với ngân hàng thương mại đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng hoặc nội dung hợp đồng bảo lãnh không đúng, không đầy đủ theo quy định của pháp luật;
    đ) Thu tiền của bên mua, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng tiến độ thực hiện dự án theo thỏa thuận của các bên hoặc thu vượt quá tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng theo quy định;
    e) Ủy quyền hoặc giao cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê mua bất động sản;
    g) Từ chối xác nhận mà không có lý do chính đáng hoặc xác nhận không đúng vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai theo quy định;
    h) Chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn hoặc chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai không đúng quy định;
    i) Không tuân thủ quy định về giá mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản trong trường hợp có quy định;
    k) Trường hợp không làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua hoặc không cung cấp hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan cho người mua, thuê mua nhà ở theo quy định thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

    Theo đó, nếu nội dung hợp đồng bảo lãnh không đầy đủ theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng.

    Lưu ý: Mức phạt trên là mức phạt tối đa áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. (theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP)

    Nội dung hợp đồng bảo lãnh không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?

    Nội dung hợp đồng bảo lãnh không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì bị phạt hành chính bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)

    Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai bao gồm các nội dung gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Thông tư 11/2022/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 49/2024/TT-NHNN về thuật ngữ hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được sửa đổi thành “Văn bản cam kết phát hành thư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai” (sau đây gọi là văn bản cam kết phát hành thư bảo lãnh)

    Vậy nên, nội dung trong hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai chính là nội dung trong văn bản cam kết phát hành thư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

    Theo đó, nội dung trong văn bản cam kết phát hành thư bảo lãnh theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 49/2024/TT-NHNN đã sửa đổi, bổ sung Điều 13 Thông tư 11/2022/TT-NHNN bao gồm:

    - Thông tin về bên bảo lãnh, chủ đầu tư;

    - Hiệu lực của văn bản;

    - Thông tin dự án được bảo lãnh hoặc phần dự án được bảo lãnh (nếu chỉ bảo lãnh một phần dự án);

    - Cam kết của bên bảo lãnh về việc sẽ phát hành thư bảo lãnh cho tất cả bên mua lựa chọn có bảo lãnh thuộc dự án của chủ đầu tư được bên bảo lãnh chấp thuận bảo lãnh cho chủ đầu tư;

    - Nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với bên mua được ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh là số tiền chủ đầu tư có nghĩa vụ phải trả cho bên mua khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở đúng thời hạn đã cam kết tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở đã ký, bao gồm: Số tiền chủ đầu tư đã nhận ứng trước từ bên mua sau thời điểm bên mua đã nhận được thư bảo lãnh của bên bảo lãnh và khoản tiền khác (nếu có) mà chủ đầu tư có nghĩa vụ phải trả cho bên mua theo thỏa thuận tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở đã ký;

    - Hồ sơ bên mua gửi cho bên bảo lãnh yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phải kèm theo thư bảo lãnh do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành cho bên mua.

    Ngân hàng thương mại có các quyền và nghĩa vụ gì trong việc bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 13 Thông tư 11/2022/TT-NHNN về các quyền và nghĩa vụ của ngân hàng thương mại trong việc bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai như sau:

    Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai
    9. Ngân hàng thương mại có quyền và nghĩa vụ sau:
    a) Ngân hàng thương mại có quyền:
    (i) Từ chối phát hành thư bảo lãnh cho bên mua nếu hợp đồng mua, thuê mua nhà ở chưa phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan hoặc sau khi đã chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai với chủ đầu tư;
    (ii) Từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với số tiền không thuộc nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư hoặc số tiền bên mua nộp vượt quá tỷ lệ quy định tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản hoặc bên mua không xuất trình được thư bảo lãnh mà ngân hàng thương mại đã phát hành cho người thụ hưởng là bên mua.
    b) Ngân hàng thương mại có nghĩa vụ:
    (i) Phát hành thư bảo lãnh và gửi cho chủ đầu tư hoặc bên mua (theo thỏa thuận) khi nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hợp lệ trước thời hạn giao, nhận nhà dự kiến quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở;
    (ii) Trường hợp ngân hàng thương mại và chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trước thời hạn, chậm nhất vào ngày làm việc tiếp theo, ngân hàng thương mại phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của ngân hàng thương mại và thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thuộc địa bàn nơi có dự án nhà ở của chủ đầu tư, trong đó nêu rõ nội dung ngân hàng thương mại không tiếp tục phát hành thư bảo lãnh cho bên mua ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở với chủ đầu tư sau thời điểm ngân hàng thương mại chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai với chủ đầu tư. Đối với các thư bảo lãnh đã phát hành cho bên mua trước đó, ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện cam kết cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt;
    (iii) Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với số tiền trả thay tương ứng với nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư được xác định căn cứ theo hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh do bên mua cung cấp phù hợp với điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh quy định tại thư bảo lãnh.

    Như vậy, Ngân hàng thương mại có quyền sau:

    - Từ chối phát hành thư bảo lãnh nếu hợp đồng mua, thuê mua không hợp pháp hoặc hợp đồng bảo lãnh đã chấm dứt.

    - Từ chối nghĩa vụ bảo lãnh đối với số tiền không thuộc nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư hoặc khi số tiền vượt quá tỷ lệ quy định hoặc bên mua không có thư bảo lãnh hợp lệ.

    Ngân hàng thương mại có nghĩa vụ sau:

    - Phát hành thư bảo lãnh và gửi cho chủ đầu tư hoặc bên mua khi nhận được hợp đồng hợp lệ trước thời hạn giao nhà.

    - Nếu chấm dứt hợp đồng bảo lãnh trước hạn, thông báo công khai và cho cơ quan quản lý nhà ở về việc ngừng phát hành thư bảo lãnh cho bên mua sau thời điểm chấm dứt, tiếp tục thực hiện cam kết đối với các thư bảo lãnh đã phát hành.

    - Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với số tiền tương ứng với nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, dựa trên hồ sơ yêu cầu của bên mua.

    saved-content
    unsaved-content
    92