Loading


Nữ mang thai hộ được nghỉ thai sản bao lâu theo quy định của pháp luật hiện hành?

Nữ mang thai hộ được nghỉ thai sản bao lâu theo quy định của pháp luật hiện hành? Hồ sơ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật bao gồm những gì?

Nội dung chính

    Nữ mang thai hộ được nghỉ thai sản bao lâu theo quy định của pháp luật hiện hành?

    Theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 3 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì lao động nữ mang thai hộ nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội;

    Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ hoặc thời điểm đứa trẻ chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

    Thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ là thời điểm ghi trong văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.

    Như vậy theo quy định trên đây thì lao động nữ mang thai hộ sẽ được nghỉ thai sản cho đến khi giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ. Thời gian nghỉ thai sản tối thiểu là 60 ngày, thời gian nghỉ tối đa là 06 tháng.

    Hồ sơ hưởng chế độ thai sản được quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, gồm:

    - Bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ;

    - Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

    - Danh sách người lao động hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập;

    - Trường hợp con chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì có thêm bản sao giấy chứng tử của con;

    - Trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì có thêm trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ;

    - Trong trường hợp sau khi sinh con mà lao động nữ mang thai hộ chết thì có thêm bản sao giấy chứng tử của lao động nữ mang thai hộ;

    - Trong trường hợp lao động nữ mang thai hộ khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì có thêm giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

    Thời hạn nộp hồ sơ là không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc (Khoản 6 Điều 5 Nghị định 115/2015/NĐ-CP)

    Mức hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014: Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

    saved-content
    unsaved-content
    43