Phân loại khu vực khoáng sản từ ngày 01/7/2025 như thế nào?
Nội dung chính
Phân loại khu vực khoáng sản từ ngày 01/7/2025 như thế nào?
Luật Địa chất và khoáng sản 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 với phạm vi điều chỉnh đươc quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 là nhằm quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo đó, tại Điều 24 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 có quy định về phân loại khu vực khoáng sản như sau:
Phân loại khu vực khoáng sản
1. Khu vực hoạt động khoáng sản.
2. Khu vực quy hoạch hoạt động khoáng sản.
3. Khu vực cấm hoạt động khoáng sản.
4. Khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
5. Khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ.
6. Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Như vậy, đối với khu vực khoáng sản được phân thành 6 loại khu vực theo quy định trên.
Phân loại khu vực khoáng sản từ ngày 01/7/2025 như thế nào? (Ảnh từ Internet)
Khu vực hoạt động khoáng sản, khu vực quy hoạch hoạt động khoáng sản là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 như sau:
Khu vực hoạt động khoáng sản, khu vực quy hoạch hoạt động khoáng sản
1. Khu vực hoạt động khoáng sản là khu vực đã được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, các loại giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản đang còn hiệu lực; khu vực đóng cửa mỏ khoáng sản.
2. Khu vực quy hoạch hoạt động khoáng sản là khu vực có khoáng sản đã được điều tra địa chất về khoáng sản và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định trong quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II, quy hoạch tỉnh.
3. Căn cứ vào yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; ngăn ngừa, giảm thiểu tác động đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa; bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên; bảo vệ công trình quy định tại điểm e khoản 1 Điều 26 của Luật này, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản có thể bị hạn chế về một, một số hoặc tất cả nội dung sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác khoáng sản;
b) Công suất khai thác khoáng sản;
c) Thời gian khai thác khoáng sản;
d) Diện tích, độ sâu khai thác khoáng sản và phương pháp thăm dò, khai thác khoáng sản.
4. Căn cứ yêu cầu của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 của Luật này quyết định việc hạn chế hoạt động khoáng sản quy định tại khoản 3 Điều này.
Như vậy, khu vực hoạt động khoáng sản là khu vực đã được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, các loại giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản đang còn hiệu lực; khu vực đóng cửa mỏ khoáng sản.
Khu vực quy hoạch hoạt động khoáng sản là khu vực có khoáng sản đã được điều tra địa chất về khoáng sản và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định trong quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II, quy hoạch tỉnh.
Nguyên tắc trong hoạt động khoáng sản là gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 như sau:
Nguyên tắc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản
...
2. Hoạt động khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến hoạt động khoáng sản, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 67 và điểm c khoản 2 Điều 73 của Luật này; bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống thiên tai;
b) Được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc chấp thuận bằng văn bản theo quy định của Luật này;
c) Thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ quy mô tài nguyên, trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản theo đề án thăm dò;
d) Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản;
đ) Ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản hợp pháp được thăm dò xuống sâu và mở rộng mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản đã được cấp giấy phép khai thác;
e) Hài hoà lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên có liên quan.
Như vậy, hoạt động khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc theo quy định trên.
Luật Địa chất và khoáng sản 2024 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.