Phân loại xe cơ giới theo năng lượng sử dụng như thế nào từ 01/01/2025?
Nội dung chính
Phân loại xe cơ giới theo năng lượng sử dụng như thế nào từ 01/01/2025?
Ngày 15/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 53/2024/TT-BGTVT về việc quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ và dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.
Trong đó, căn cứ quy định tại Điều 9 Thông tư 53/2024/TT-BGTVT, theo loại năng lượng sử dụng, xe cơ giới (trừ rơ moóc và sơ mi rơ moóc) được phân loại như sau:
(1) Xe cơ giới chỉ có động cơ sử dụng nhiên liệu xăng hoặc điêzen;
(2) Xe cơ giới thân thiện môi trường là xe cơ giới sử dụng năng lượng hoặc công nghệ giúp giảm phát thải các-bon trực tiếp khi vận hành so với xe cơ giới thông thường nêu tại khoản 1 của Điều này (như xe sử dụng nhiên liệu CNG, xe hybrid điện nhẹ MHEV, xe hybrid điện hoàn toàn FHEV hoặc SHEV, xe hybrid nạp điện ngoài PHEV);
(3) Xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường là xe cơ giới không phát thải trực tiếp các-bon khi vận hành (như xe thuần điện PEV hoặc BEV, xe điện dùng pin nhiên liệu thuần túy PFCEV hoặc FCEV, xe sử dụng nhiên liệu hy-đrô).
Phân loại xe cơ giới theo năng lượng sử dụng như thế nào từ 01/01/2025? (Hình từ Internet)
Nhà nước có chính sách gì về trật tự an toàn giao thông đường bộ?
Điều 4 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định:
Chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
1. Bảo đảm ngân sách nhà nước, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bố trí tương ứng từ các khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Chính phủ.
2. Hiện đại hoá các trung tâm chỉ huy giao thông; bảo đảm kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan.
3. Tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đầu tư, xây dựng, chuyển giao hệ thống, phương tiện, thiết bị giám sát phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia phối hợp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phù hợp với quy định của pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
4. Bảo đảm công bằng, bình đẳng, an toàn đối với người tham gia giao thông đường bộ; tạo thuận lợi cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật trong tham gia giao thông đường bộ; xây dựng văn hóa giao thông; giáo dục, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho trẻ em, học sinh để hình thành, nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ.
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có thành tích thì được khen thưởng, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; người bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương, bị tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân, gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
6. Phát triển phương tiện giao thông đường bộ đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của người dân; nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp phương tiện giao thông đường bộ bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ đối với phương tiện giao thông trên thế giới; ưu tiên phát triển phương tiện vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn; ưu tiên chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, hạ tầng cung cấp năng lượng sạch.
Như vậy, Nhà nước có những chính sách về trật tự, an toàn giao thông đường bộ như trên.
Thông tư 53/2024/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.