Loading


Quản lý vận hành nhà ở xã hội được quy định như thế nào?

Quản lý vận hành nhà ở xã hội được quy định như thế nào? Việc cho thuê và cho thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện ra sao?

Nội dung chính

    Quản lý vận hành nhà ở xã hội được quy định như thế nào?

    Theo quy định tại Điều 90 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Quản lý vận hành nhà ở xã hội
    1. Đối với nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Luật này quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở theo quy định tại khoản 5 Điều 125 của Luật này. Đối với nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở theo thẩm quyền; trường hợp có từ 02 đơn vị trở lên đăng ký tham gia thì được chọn áp dụng quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở.
    2. Đối với nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn thì việc quản lý vận hành nhà ở được quy định như sau:
    a) Nhà ở xã hội để cho thuê thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tự tổ chức quản lý vận hành nhà ở hoặc thuê, ủy thác cho đơn vị có năng lực quản lý vận hành theo quy định của Luật này thực hiện quản lý vận hành nhà ở đó;
    b) Nhà ở xã hội để cho thuê mua thì trong thời hạn cho thuê mua, chủ đầu tư thực hiện quản lý vận hành nhà ở theo quy định tại điểm a khoản này; sau khi người thuê mua đã thanh toán đủ tiền thuê mua cho chủ đầu tư thì việc quản lý vận hành được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản này;
    c) Nhà ở xã hội để bán thì người mua nhà ở tự thực hiện việc quản lý vận hành nếu là nhà ở riêng lẻ; trường hợp là nhà chung cư thì phải tuân thủ quy định về quản lý vận hành nhà chung cư quy định tại Luật này.
    3. Hoạt động quản lý vận hành nhà ở xã hội được hưởng cơ chế ưu đãi như đối với dịch vụ công ích.
    4. Đơn vị quản lý vận hành nhà ở xã hội được quyền kinh doanh các dịch vụ khác trong khu nhà ở xã hội mà không bị luật cấm để giảm giá dịch vụ quản lý vận hành nhà ở.

    Như vậy, việc quản lý và vận hành nhà ở xã hội phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư.

    Đối với nhà ở xã hội sử dụng vốn công đoàn, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định đơn vị quản lý, trong khi đối với nhà ở xã hội không dùng vốn công, chủ đầu tư hoặc người mua nhà có trách nhiệm tổ chức quản lý.

    Nhà ở xã hội để cho thuê mua hoặc cho thuê có thể ủy thác cho đơn vị có năng lực quản lý.

    Quản lý vận hành nhà ở xã hội được hưởng cơ chế ưu đãi và có thể bao gồm kinh doanh dịch vụ khác để giảm chi phí vận hành.

    Quản lý vận hành nhà ở xã hội được quy định như thế nào? (Ảnh từ Internet)Quản lý vận hành nhà ở xã hội được quy định như thế nào? (Ảnh từ Internet)

    Việc cho thuê nhà ở xã hội được thực hiện như thế nào?

    Căn cứ tại khoản 3 Điều 89 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội
    ...
    3. Việc cho thuê nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định sau đây:
    a) Việc cho thuê nhà ở xã hội có sẵn chỉ được thực hiện khi bảo đảm quy định tại khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 88 của Luật này;
    b) Việc cho thuê nhà ở xã hội phải được lập thành hợp đồng có các nội dung quy định tại Điều 163 của Luật này;
    c) Không được ký hợp đồng thuê nhà ở xã hội hình thành trong tương lai. Trường hợp nhà ở có đủ điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 88 của Luật này thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ được ký hợp đồng đặt cọc và thu tiền đặt cọc thuê nhà ở tối đa bằng 12 tháng tiền thuê nhà tạm tính; việc ký hợp đồng đặt cọc thuê nhà ở phải bảo đảm đúng đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở xã hội quy định tại Luật này; sau khi nhà ở có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 88 của Luật này thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được ký hợp đồng thuê nhà ở với người thuê.

    Theo đó, việc cho thuê nhà ở xã hội phải tuân thủ quy định về hợp đồng cho thuê, không được ký hợp đồng cho thuê nhà ở xã hội hình thành trong tương lai.

    Trường hợp nhà ở xã hội đủ điều kiện, chủ đầu tư có thể ký hợp đồng đặt cọc với người thuê, nhưng không vượt quá 12 tháng tiền thuê.

    Sau khi nhà ở hoàn thành và đủ điều kiện, hợp đồng cho thuê chính thức sẽ được ký kết với người thuê đáp ứng các điều kiện theo Luật.

    Việc cho thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện như thế nào?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội
    ...
    2. Việc cho thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này và các quy định sau đây:
    a) Thời hạn thanh toán tiền thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 05 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở;
    b) Bên thuê mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày thanh toán đủ tiền thuê mua nhà ở theo thời hạn quy định tại điểm a khoản này, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;
    c) Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho cơ quan quản lý nhà ở trong trường hợp thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong trường hợp thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công hoặc bán lại cho đối tượng thuộc trường hợp được mua nhà ở xã hội với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội này trong hợp đồng mua bán với cơ quan quản lý nhà ở hoặc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Việc nộp thuế thu nhập cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế;
    d) Sau thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền thuê mua nhà ở xã hội theo thời hạn quy định tại điểm a khoản này, bên thuê mua được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều này.

    Như vậy, việc cho thuê mua nhà ở xã hội phải tuân thủ các quy định về thời hạn thanh toán và bán lại nhà ở.

    Thời hạn thanh toán tối thiểu là 5 năm. Trong vòng 5 năm, bên thuê mua không được bán lại nhà ở, trừ trường hợp bán lại cho cơ quan quản lý nhà ở, chủ đầu tư hoặc đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.

    Sau 5 năm, bên thuê mua có quyền bán lại nhà ở theo cơ chế thị trường.

    saved-content
    unsaved-content
    44