Quảng Bình: Quy hoạch tỉnh cho thời kỳ 2021-2030, danh sách những dự án được ưu tiên và nguồn vốn thực hiện quy hoạch tỉnh
Nội dung chính
Quy mô và yêu cầu quy hoạch, ưu tiên những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng
Ngày 28/08/2024, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 921/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030.
Theo Mục I Quyết định 921/QĐ-TTg năm 2024, quy hoạch tỉnh yêu cầu phải bảo đảm tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với thể chế. Bám sát định hướng bốn trụ cột kinh tế: du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế biển phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Theo chủ trường “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, liên thông tổng thể.
Căn cứ theo Mục II Quyết định 921/QĐ-TTg năm 2024, quy hoạch đầu tư của tỉnh sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện, uu tiên đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm, tạo ra các kết nối liên vùng mạnh mẽ, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm đồng bộ, hiện đại; hạ tầng Khu kinh tế Hòn La và Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hạ tầng cửa khẩu; hạ tầng khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng lưới điện; hạ tầng kỹ thuật tại các trung tâm đô thị, trung tâm động lực tăng trưởng, hành lang kinh tế Mục tiêu là xây dựng một hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quảng Bình: Quy hoạch tỉnh cho thời kỳ 2021-2030, danh sách những dự án được ưu tiên và nguồn vốn thực hiện quy hoạch tỉnh (Hình từ Internet)
Các dự án ưu tiên thực hiện, nguyên tắc xác định dự án ưu tiên
Tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định 921/QĐ-TTg năm 2024, Quyết định đã ban hành danh mục các dự án thực hiện. Các dự án này được xác định theo các nguyên tắc: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện; Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm đồng bộ, hiện đại; Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Cấu trúc nguồn vốn thực hiện quy hoạch tỉnh Quảng Bình
Tại điểm b khoản 2 Điều 2 Mục II Quyết định 921/QĐ-TTg năm 2024, quy hoạch đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm từ 8,4% đến 8,8% trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Quảng Bình dự kiến cần huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 375 - 425 nghìn tỷ đồng trong suốt thời gian này. Cấu trúc nguồn vốn theo từng thời kỳ cụ thể:
- Giai đoạn từ năm 2021 tới năm 2025:
+ Vốn Ngân sách nhà nước: 22-25 nghìn tỷ đồng, tương đương với 16,5% tổng số vốn
+ Vốn từ doanh nghiệp, nhà đầu tư: 48-52 nghìn tỷ đồng, tương đương với 35,5% tổng số vốn
+ Vốn từ hộ gia đình: 58-65 nghìn tỷ đồng, tương đương với 43% tổng số vốn
+ Vốn vay, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước và các nguồn khác: 7-8 nghìn tỷ đồng, tương đương với 5% tổng số vốn
- Giai đoạn từ năm 2026 tới năm 2030:
+ Vốn Ngân sách nhà nước: 30-35 nghìn tỷ đồng, tương đương với 12,5% tổng số vốn
+ Vốn từ doanh nghiệp, nhà đầu tư: 92-105 nghìn tỷ đồng, tương đương với 38% tổng số vốn
+ Vốn từ hộ gia đình: 107-122 nghìn tỷ đồng, tương đương với 45.5% tổng số vốn
+ Vốn vay, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước và các nguồn khác: 11-13 nghìn tỷ đồng, tương đương với 5% tổng số vốn